Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

Nhớ chuyện xa xưa

Mấy hôm nay, sau ngày sinh nhật thứ 81 của tôi, đặc biệt năm nay lại trùng với ngày sinh của Thái tử Tất Đạt Đa, tôi được bạn bè và nhiều cựu học sinh gửi đến chúc mừng, gợi cho tôi nhớ đến những chuyện xa xưa đã trên nửa thế kỷ.

Trước tiên tôi nhớ đến những ngày ở trong quân trường Thủ Đức rơi nhằm dịp Tết Mậu Thân, bị cấm trại liên miên nên không thể đi phép, có lúc nằm luôn ở trạm gác 13, nhìn ra xa lộ Sàigòn – Biên Hòa thấy xe chạy nhớ nhà lòng buồn khôn tả. Có hôm ngoài xa lộ đụng nhau súng nổ, đạn bay vèo vèo, tưởng là VC phục kích xe Mỹ, sau nghe lại xe của Đại úy Mẫn chồng của Thanh Nga đụng độ với toán tuần tiểu.

Sau khi ra Trường lại tiếp tục học ở Trường Quân Cụ tại Gò Vấp, gần ngã Năm chuồng chó, vì nơi đó là ngã năm lại có đơn vị quân khuyển, trên con đường nầy đầu kia là ngã ba Chú Ía, ở giữa là bệnh viện Cộng Hòa, tuy là con đường ở ngoại ô Sàigòn, nhưng nổi danh trên toàn quốc.

Sau khi ra Trường Quân Cụ, tôi lại chọn vùng IV, trong khi có 1 chỗ là một đơn vị Đại Đội Quân Cụ, đồn trú sát ngã năm, bên cạnh chuồng chó. Chọn xong bạn bè ai cũng tiếc cho tôi đã bỏ mất một chỗ tốt, nếu chọn Đại Đội đó tôi được ở gần nhà với vợ con ngay tại thủ đô Sàigòn, ngược lại tôi đã chọn vùng IV là Miền Tây.

Thế rồi tôi được phân bổ về Đại Đội 21 Quân Cụ, tức là đại đội yểm trợ cho Sư Đoàn 21 Bộ Binh có bản doanh đặt tại Bạc Liêu, còn Đại Đội đồn trú tại thị xã Sóc Trăng gần rạp chiếu bóng Hòa An, cạnh chùa Năm Ông, tôi đến nhằm lúc đơn vị di chuyển đến Trung tâm huấn luyện nghĩa quân trên đường đi Bãi Xào, chưa đến Đài Phát Thanh Ba Xuyên, cách không xa chùa Dơi theo đường chim bay.

Chùa Dơi ở Thị xã Sóc Trăng

Tôi đồn trú nơi đơn vị nầy là Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, trong đó có Đại Đội Bảo Toàn, gồm có Đại Đội Quân Cụ và các đơn vị Quân Nhu, Quân Vận, Truyền Tin. Tôi ở đây chưa được 1 tháng thì được phân bổ làm Trung Đội Trưởng Trung Đội Sửa Chữa, đồn trú cạnh Trung Đoàn 32 của Sư Doàn 21 để yểm trợ đơn vị nầy.

Mặc dù là khoảng hè năm 1969, nhưng tình hình vẫn chưa được an ninh, khi tôi đi từ Cần Thơ đến Sóc Trăng phải chờ và đi theo một đoàn có hộ tống (convoy) và từ Sóc Trăng đi Cà Mau, tôi cũng phải tháp tùng theo đoàn hộ tống.

Đến Cà Mau đơn vị tôi có doanh trại ở trên sân quần vợt của Ty Tiểu Học, ở trước mặt Ty, cách nhau một con đường, bên cạnh đơn vị tôi là một đơn vị của Mỹ, thỉnh thoảng có người Việt trộng tuổi đi vào đó, lính của đơn vị tôi cho tôi biết đó là những người dân “bán tin” cho Mỹ. Cạnh Ty Tiểu Học là bản doanh của Trung Đoàn 32, tôi được biết Trung đoàn trưởng là người cùng quê với tôi, anh Trung Đội Trưởng, người tiền nhiệm có đưa tôi sang thăm xã giao Trung Tá Bông, gặp ông Bông tôi không hề cho ông ta biết chúng tôi là người cùng quê.

Không xa nơi tôi đồn trú là Ty Cảnh Sát, anh Trung Úy trưởng phòng hành chánh là bạn của tôi lúc ở Sàigòn, anh ta đã về đây có vợ con, đôi lần tôi có đến thăm anh ta tại trại gia binh ở trong ty, nhưng tôi trông thấy cảnh những người bị bắt, giam ở Ty leo nheo, lóc nhóc với đám con nít, nên tôi chỉ đến thăm anh ta vài lần mà thôi, đôi khi anh ta lấy xe cảnh sát chở tôi đi ăn kem hay uống cà phê.

Ở tại chợ Cà Mau cách đơn vị tôi có 2 ngã tư cùng một con đường, có một cửa hàng điểm tâm của người Hoa, là tiệm nước Đông Viên nơi đây luôn nhộn nhịp thực khách ăn sáng với hủ tiếu, mì, bánh bao, xíu mại, dò chéo quãi … Sáng nào chúng tôi cũng kéo nhau ra đây uống cà phê. Đặc biệt ở đây có một cậu “phổ ky”, tuổi chừng 15, 16 thích kết thân với mấy anh lính của đơn vị tôi, cứ mỗi Thứ Ba khoảng 10 giờ sáng, anh phổ ky nầy mang vào trại chúng tôi một thau “xíu quách”, kèm theo một chai Whicky-Cô, là rượu đế pha với Coca Cola. Tôi không hiểu cậu phổ ky nầy được chi mà chìu lính của đơn vị tôi như vậy ? Tôi chỉ biết những người làm nơi quán đó, mỗi người đều được một phần xíu quách trong ngày nhất định của tuần lễ.

Có một chị ngoài 50, hút thuốc Ruby, nên các anh lính của đơn vị gọi chị ấy là bà Hai Ruby, thỉnh thoảng vào buổi tối ghé vào đơn vị đánh bài với mấy anh lính, đến khuya không còn xe Lam về, chị phải ngủ nhờ, nằm chung với anh Trung đội phó trong chiếc xe sửa chữa.

Tôi ở đây được 1 tháng thì đơn vị được cải tổ, một anh xung phong nhận thay tôi, để tôi trở về đơn vị tại Sóc Trăng, giữ chức Trung Đội Trưởng Hậu Cứ, ngày tôi trở về đơn vị cũng phải chờ mấy hôm mới có đoàn hộ tống để lên đường.

Lúc ở Cà Mau đơn vị tôi không có xe jeep, nên chúng tôi mượn xe của Trung Đoàn 32, tôi ra phi trường Cà Mau tập lái mấy hôm cho nhuần nhuyển. Khi về lại Sóc Trăng anh em Quân Vận làm cho tôi cái bằng lái xe, mặc dù Sĩ Quan không được phép lái xe, vì có tài xế lái, nhưng tôi được cấp 1 chiếc A2 hay là M151 và anh tài xế Linh.

Về đây có anh Nô chuyên viên kỹ thuật của rạp chiếu bóng Hòa An, thích đi chơi và đi uống bia với chúng tôi. Tôi nhớ có một buổi tối đã gần 9 giờ, phố xá vắng chúng tôi buồn, nên rủ nhau vào hồ nước ngọt bắt “Bò lạc”, trong nầy có một Tinh Xá, thỉnh thoảng vẫn có người đi hóng mát, tối đó chẳng có bóng ma nào, lúc chúng tôi quay xe ra về, dọc đường gặp con rùa bằng cái tô, anh em bảo nhau thôi thì bắt rùa về nấu cháo ăn, tôi nhớ thỉnh thoảng anh em có đãi chúng tôi món rùa nấu thuốc bắc, nhưng chưa hề nếm được rùa nấu cháo. Chúng tôi bắt con rùa bỏ lên xe, chạy về nhà bên vợ của Nô ở gần Bãi Sào để nấu cháo, ăn đêm.

Rạp chiếu bóng Hòa An ngày xưa

Nấu cháo xong, Nô dọn chén, đủa lên bàn ăn rồi bưng nồi cháo rùa đặt giữa bàn, giọng bí mật:

- Mời quý bạn cùng thưởng thức món để đời của chúng ta.

 Đã gần khuya, bụng cũng đói, cảm thấy mùi cháo lại đói hơn.

Ai cũng bưng chén cháo lên húp, nhưng cháo là cháo trắng không mùi vị mà thịt rùa là thịt rùa, hai thứ đó không san sẻ nhau chút gì, cho nên người ta thường nói “Húp cháo rùa”, lúc đó chúng tôi mới hiểu câu tục ngữ “Húp cháo rùa”. Theo tôi rất nhiều người nghe nói: “Húp cháo rùa”, nhưng đêm đó tôi mới được thực tế.

Tôi ở đây được 2 tháng thì có giấy biệt phái về dạy học lại. Lâu rồi tôi ít khi gặp lại những bạn đồng ngũ. Một lần cách nay chừng 10, 15 năm một hôm đi Viếng chùa Sư nữ Linh Phong Cổ Tự ở Đà Lạt, may mắn được gặp lại anh Bửu Cầu, đồng đội của tôi ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, anh Bửu Cầu ở đó vì Sư cô Trụ Trì là người Hoàng tộc cùng họ hàng với anh. Gần đây, về Việt Nam gặp lại anh Trần Minh Nhật cũng là bạn cùng khóa ở Trường Bộ Binh và Quân Cụ, Nhật nay ở West Virginia, thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm nhau và hẹn gặp lại ở Việt Nam.

Những ngày tôi ở Cà Mau, Sóc Trăng nhớ lại như mới đó, vậy mà đã trên nửa thế kỷ trôi qua, với biết bao đắng cay của những ngày tù tội, lại hiểu thêm: ”Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cứ mỗi lần nhớ đến câu nầy lòng buồn ứa nước mắt.

866403062022






Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Một chút tâm sự

Từ lâu tôi lo sợ mình bị Alzheimer nên sử dụng máy vi tính làm Trang nhà, kết nối điện thư với bạn bè và làm Vlog, chỉ nhằm mục đích cho bộ óc làm việc. Trang nhà tôi làm từ nhng năm 1997, 1998. Còn Vlog tôi làm từ 2011. Bước đầu tôi làm chỉ để học hỏi mà thôi, về sau mới nhằm mục đích cho bộ óc làm việc.

Cũng từ lâu, tôi muốn tìm một người nào đó có khả năng để tôi giao lại Trang nhà, vì nó được tôi gầy dựng gần 30 năm qua, nào là bài viết, nào là hình ảnh, tôi hy vọng rồi có thể tìm được người có đủ khả năng viết và am tường về kỹ thuật vi tính.

Alzeimer nó không tránh ai, ngay cả Tổng Thống Regan cũng bị nó, làm cho ông có lúc không còn nhớ mình đã từng là Tổng Thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, người từng làm tan rã Liên Xô.

Trong gia đình tôi, ông thân và bà thân đều mất sớm, thân phụ tôi mất vừa tròn 60, thân mẫu của tôi hơn 50, cho nên tôi không hiểu về vấn đề Alzeimer với họ, nhưng tôi có một người cô bị Alzeimer, một người cô khác sống thọ đến 94 vẫn được minh mẫn. Tôi muốn tìm hiểu tôi có Gen (gene, gène) sống thọ không ? Có Gen Alzeimer không ?

Trong gia đình tôi có một người anh sinh năm 1928 mất năm 2017, như vậy anh ấy thọ 90 tuổi, rất minh mẫn.

Tôi có quen biết với một Huynh Trưởng ở Sàigòn, sáng nay tôi có một điện thư muốn gửi cho một số anh chị em quen biết, để cùng chia sẻ buồn vui và thưởng thức một bản nhạc, cả hai đều có nội dung về 30 tháng 4. Tôi không nhớ được tên họ Huynh Trưởng đó, nên cố nhớ mãi đến gần 2 tiếng đồng hồ sau tự nhiên tên anh ta bổng hiện ra trong đầu tôi.

Gần đây, bạn bè của tôi mới gặp trước khi có dịch bệnh, nay nhìn lại hình chụp đã quên tên, cố moi óc ra để nhớ, nhưng vẫn không thể nào nhớ nổi anh ta. Mong rằng đó là sự lão hóa bình thường của người cao niên.

Có một anh, cùng là đồng nghiệp nhưng không đồng môn, anh ta trước kia làm chủ một kios bán sách cũ trên vỉa hè Lê Lợi, về sau khá giả, sang lại một kios ở đường Nguyễn Huệ bán máy Photocopy lại có dịp mua bán dollar, phất lên nhanh chóng mua xe Peugeot 505. Một anh bạn đồng nghiệp mời anh đó và tôi đến nhà dùng cơm, chỉ có 3 anh em nên dễ tâm tình, nhứt là cảnh trái ngang của nhiều người trong biến cố 30 tháng 4. Vậy mà vài năm sau gặp lại anh ta trong một buổi họp mặt, tôi không làm sao nhớ anh ta tên chi, tôi đành lẫn tránh anh ta không bắt tay chào nhau, không một lời hỏi han, thật là vô tình, đáng trách.

Để tránh sự quên lãng đó, tôi nghĩ nên gắn tên anh ta vào người khác ở gần mình hoặc có liên hệ thường xuyên với mình cho dễ nhớ. Ví dụ anh đó tên Lang, tôi gán vào nhóm với chị Lan thường có liên lạc với tôi qua Facebook, nhờ vậy tôi không còn quên anh Lang nữa. Những người bạn khác cũng thế.

Như đã viết, tôi có trang Web, có Blog, có Vlog tôi đang lo ngại việc quên của mình, có khi nó ảnh hưởng đến các việc làm đó, viết bài trên Web, trên Blog hoặc dẫn dắt câu chuyện trên Vlog vì quên thành ra sai, cái sai đó làm ảnh hưởng tới hàng ngàn người khác. Điều đó tôi hoàn toàn không muốn. Nếu điều đó xảy ra mong được Độc giả, Thính giả, Khán giả lượng tình tha thứ và nhắc nhở dùm cho. Rất đa tạ sự quan tâm của quý vị và các bạn.

866419042022











 

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

Đôi khi

Vài hôm rồi, trong khi tìm về những chi tiết về đức Phật Thầy Tây An, tôi vô tình tìm ra được bài của mình viết đã lâu, nay tự nhiên thấy do Website của Bửu Sơn Kỳ Hương lấy đăng lại. Khỏi phải nói là mừng vô hạn và cám ơn Web nầy đã lưu trữ bài của tôi tại:

http://bskhnguyenthuy.blogspot.com/2012/10/phat-thay-tay-va-ao-buu-son-ky-huong.html

Tôi cố tìm bản gốc bài nầy trên các trang Web và Blog của tôi, nhưng không thấy đâu cả, có thể trang Web hay Blog ấy không còn.

Rồi có 1 độc giả gửi tới cho tôi một số pdf files của một quyển sách do Giáo sư Nguyễn Văn Hai viết, trước kia sách giáo sư viết gửi cho tôi đăng trên nguyệt san Phật học do tôi chủ trương, sau giáo sư góp lại thành tập để in sách biếu cho độc giả, rồi giáo sư chuyển cho tôi nguyên bản quyển sách dạng text, sau đó tôi           cất dưới dạng PDF rồi đưa lên mạng.

Từ khi nguyệt san Phật Học không còn in ra báo giấy, giáo sư không còn gửi bài cho tôi và giáo sư in sách cũng không cần tôi nữa, nên tôi không có bản text hay PDF để đưa lên Mạng, mặc dù giáo sư có biếu sách cho tôi sau khi in, trừ quyển sách sau cùng Ngã – Pháp (4-2019).

Có một độc giả gửi cho tôi mấy bản pdf bài của giáo sư trong tập Tư tưởng Phật Giáo troing Triết học Gilles Deleuze, tôi không biết làm sao ghép chúng lại, lên mạng gõ tìm, gặp phải các nơi chỉ dẫn Download các Phần mềm của họ, tôi không thích vì chúng luôn kèm theo cái nọ cái kia nhất là dễ bị virus, nên tôi nhờ con rể tôi ghép lại dùm, sau đó tôi đã đưa lên trang Web của mình. Đêm đã lên giường nằm ngủ, tự nhiên nhớ lại trước đây vài năm mình cũng đã có ghép mấy files pdf, nhưng đã khuya nên nhủ thầm ngủ cái đã, để quá giữa đêm tuổi già khó ngủ. Hôm sau tôi lại lên Mạng gõ tìm: cách ghép các bản pdf thành 1. Google chỉ cho tôi mấy cách, trong đó có link sau đây:

https://tools.pdf24.org/en/merge-pdf

Mặc dù nó không phải công cụ trước kia tôi đã làm, nhưng thử làm cũng tạm được, hoặc dùng:

https://www.freepdfconvert.com/vi/merge-pdf

Nói chung, ngày nay tuổi đã tạm cao nên trí óc thường chậm chạp, quên trước nhớ sau, lú lẫn, nghe một đàng, hiểu một nẽo. Gần đây, tôi thường nghĩ tới chuyện Từ Thức về trần, khi người ta già rồi, bạn bè không còn như xưa, ngày càng thưa vắng, càng thấy cô đơn vì thấy chung quanh mình có nhiều người nhưng họ có những ý tưởng khác, khó hòa nhập với mình.

Ở Sàigòn, có hôm từ Phú Lâm tôi phải gọi Grap đi tới bên kia cầu Sàigòn chỉ để gặp những ông bạn xưa, ngồi uống một ly coffee đen nghe họ nói chuyện với nhau, toàn là nhắc chuyện xưa. Vậy mà mình vui vì cảm thấy có những chuyện có mình trong đó hoặc là mình có biết chút tình tiết hay cảnh vật lúc đó, nó gắn kết với đời sống của minh.

Mong rằng dịch bệnh mau chấm dứt, cuộc chiến ở Ukraine sớm kết thúc, chấm dứt sớm những ngày lo âu, đen tối không vui.

866402032022