Hôm nay là
ngày Mồng 6 Tết, chúng tôi đi ăn sáng, đi chợ Sàigòn mua cà-phê rồi ra đường Đồng
Khởi, mục đích là để xem phố phường những ngày sau Tết.
Hình như theo phong tục xưa, người ta coi ngày để xuất hành vào đầu năm, coi ngày để khai trương, hôm nay nhiều cửa hàng đã mở cửa bán lại, nhưng có những cửa hàng ngày Mồng Một Tết họ vẫn cứ bán, nên khỏi phải coi ngày để khai trương.
Nước ta theo truyền thống là nước nông nghiệp, gieo trồng cần có nước, mùa mưa vào tháng Tư, mỗi năm chỉ cần cày bừa, vỡ đất rồi xạ, cấy lúa, chờ đến tháng Mười Một tháng Chạp mới thu hoạch, cho nên Ca dao có câu:
Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng Ba thì đậu đã già,
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô.
Tháng Tư đi tậu trâu bò,
Để ta sắp sửa làm mùa tháng Năm.
Sớm ngày đem lúa ra ngâm,
Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra.
Gánh đi, ta ném ruộng ta,
Đến khi nên mạ, thì ta nhổ về.
Lấy tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi.
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai.
Ruộng thấp đóng một gàu giai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bây giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô quạt sạch ấy là xong công.
Đó là bài học thuộc lòng, bài Ca dao, được đăng trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư Lớp Sơ Đẳng của các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc.
Tôi sống những năm 1945-1950, được đi học và đã học sách nầy ở ngôi trường làng Bình Mỹ thuộc quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc. Thời đó người ta ăn Tết ở nhà quê, ai ai cũng nghỉ ngơi những ngày Mồng Một cho đến Mồng Bảy, sau đó mới đi làm những công việc đồng áng, đi buôn gánh, bán bưng.
Thời đó, đi lại chủ yếu bằng tàu, tàu chạy bằng than, về sau mới có xe hơi có lẽ vào khoảng năm 1949, 1950 xe hãng Cosora chạy đường Châu Đốc, Long Xuyên, Sàigòn mỗi ngày 1 chuyến đi, một chuyến về. Đường Long Xuyên – Châu Đốc có chừng 5, 7 chuyến, thời đó chỉ Bắc Mỹ Thuận và Bắc Cần Thơ, xe chạy xuống cầu nổi, người ta có bộ phận quay cho xe trở đầu rồi chạy lùi xuống Bắc, để khi lên xe sẽ chạy thẳng lên, chớ không phải như sau nầy chiếc Bắc lớn, xe chạy xuống luôn, qua bờ bên kia, chiếc Bắc đậu đầu khác, nên xe chạy thẳng lên. Về sau mới có Bắc Vàm Cống cho xe chạy đường Sàigòn – Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên. Chắc là sau 1954, mới có danh từ Phà thay cho Bắc.
Khoảng sau năm 1950, người ta còn nghỉ trọn 3 ngày, không có xe cộ, tàu bè đi đâu cả. Nhưng từ 1954 trở đi bắt đầu Mồng Một Tết có xe khách chạy và người ta bán buôn, nhưng Mồng Ba người có nghề như Thợ Rèn, Thợ Mộc, Thợ Kim hoàn … người ta phải cúng Tổ, thường là cúng con gà, cũng gọi là cúng Ra Nghề.
Những việc ăn chơi, cúng kiếng đó là phong tục của người dân Nông nghiệp, dần dần người ta tiến bộ đi, không còn quá tin vào Thần Linh, nên phong tục hủ lậu được bỏ đi nhiều.
Chúng tôi đi ăn sáng ở Quán Chay Định Ý, tiện thể ra chợ Sàigòn mua cà-phê về nhà pha uống vào sáng sớm, rồi đi ra Đồng Khởi để chạy dọc theo Phố Đi Bộ, Khi đi ngang qua Nhà Hát Tây nay gọi là Nhà Hát Lớn, thấy có mục giải trí công cộng trước thềm Nhà Hát, người ta đang trình diễn vở Cải lương nào đó. Có cô đào mặc y phục vàng, còn anh kép mặc y phục trắng, những nhạc công mặc áo dài xanh.
Sau đó chúng tôi ra bờ sông,
nhìn thấy bên kia Thủ Thiêm, nhìn thấy dấu xưa Cột Cờ Thủ Ngữ, nên tôi chụp vài
tấm ảnh rồi chạy dọc theo Phố Đi Bộ, nơi đây trong 3 ngày Tết có trưng bày hoa,
nhưng hôm nay họ đã dọn sạch từ hôm nào, trả lại Phố Đi Bộ vắng vẻ.
Chúng tôi ghé cửa hàng Thái Hòa bên cạnh hiệu bánh mì Như Lan trên Đại lộ Hàm Nghi mua vài thứ bánh kẹo. Thường mua bánh kẹo hay thực phẩm ngoại chúng tôi mua tại hiệu Phương Hà hoặc Thái Hòa, còn mua bánh kẹo nội nhà tôi thường mua tại cửa hàng Hòa Lợi, nằm trên đường Lưu Văn Lang cũng gọi là Bác Vật Lang, thật ra là Kỹ sư Công nghệ (Ingénieur des Arts et Manufactures de l’École Centrale de Paris).
Sau đó chúng tôi ra về, trên đường 3 tháng 2, đối diện với Nhà Thờ Tin Lành, có đám múa Sư Tử, tiếc quá tôi quên dừng lại quay một đoạn Video.
Đây là một ngày Mồng 6 Tết, một vòng quanh Sàigòn, mỗi thời Sàigòn mỗi khác, thời Sàigòn của tôi chỉ có khoảng 4 triệu người, ngày nay Sàigòn trên 10 triệu người, nhà cửa san sát, nhiều nhà cao tầng và chúng cư, xe cộ tấp nập. Tuy có văn minh nhưng văn hóa chưa cao.
Mời xem thêm hình ảnh tại:
866430012020