Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019

Cành hoa Tầm gửi


Tôi vừa hiệu đính xong bài Lược sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam, viết từ năm 2009 thì được điện thư của Trưởng Trần Minh Triết yêu cầu tôi tham gia viết một bài với chủ đề “Gia Đình Phật Tử giữa Giáo Hội” hay Tăng thân hoặc Tăng đoàn. Tôi định không tham gia vì vấn đề bao quát quá, thứ nữa tôi đang trong quá trình hoàn tất đề tài “Tìm học Triết học Tây Phương”, nhưng nghĩ lại nên góp một bàn tay với Trưởng Triết vậy. Hơn nữa thực tế trong những năm sinh hoạt và nay trong khi hiệu đính bài viết trên, tôi cũng có vài vấn nạn cần tìm giải đáp cho chính mình.


Khi tôi làm Liên Đoàn Trưởng một Gia Đình Phật Tử vào năm 1960, một hôm có em Đoàn sinh tâm sự với tôi: “Thầy Giám viện bảo là Gia Đình sinh hoạt buổi trưa ồn quá, làm mất giấc nghỉ của Thầy”. Tôi tự nghĩ Thầy là người khai sinh ra gia đình nầy, bao nhiêu năm các em vẫn đến chùa, gặp nhau trước giờ sinh hoạt thì vui đùa ồn ào đôi chút từ trước đến nay vẫn thế. Nay Thầy nói với các em như vậy, đương nhiên là Thầy muốn đuổi Gia Đình đi chỗ khác. Nghĩ như thế nên tôi liền đến một ngôi chùa gần đó, xin vị trụ trì cho Gia Đình sinh hoạt. Vị trụ trì ấy cho biết: “Chúng tôi cần giữ cho bản tự được thanh tịnh để dễ tu hành, các em sinh hoạt sẽ mất trang nghiêm, thanh tịnh đi.” Vị trụ trì về sau giữ một chức vụ rất quan trọng trong Phật Giáo ở trong nước, cũng như ở hải ngoại, có lúc người thành lập một ban điều hành Gia Đình Phật Tử, anh em muốn tôi tham gia vào đó, tôi nhớ đến chuyện xưa vị trụ trì ấy chẳng thiết tha gì Gia Đình Phật Tử, nên tôi từ chối tham gia. Đến nay nhìn lại người chức nọ, kẻ chức kia cấp bậc đương nhiên có tương xứng với chức vụ, nhưng ít thấy có thành tích đóng góp cho tổ chức.

Nói đến cấp bậc, tôi nhớ tới Trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu, một lần anh nói với tôi: “Dự vài buổi họp, người ta phân biệt phải có cấp nọ cấp kia, không đồng cấp đi chỗ khác chơi! Cậu với ta ở ngoài xã hội cũng có chút danh phận, được người ta biết tới. Còn những anh chị em khác hãy nghĩ đến họ, những ai có khả năng, đạo hạnh phải đề đạt họ được có cấp bậc xứng với tài trí, đức hạnh để đi họp hành, chung tay, góp trí với những người khác.”

Trở lại vấn đề trên, Bác Gia trưởng nói với tôi: “Chúng ta làm như không biết chi hết, khi nào Thầy đặt vấn đề với Bác hay với chú. Lúc đó chúng ta sẽ tìm cách giải quyết.” Nhưng rồi sau đó không thấy thầy Giám viện dạy bảo chi. Chuyện cũng lãng quên đi.

Thời thập niên 1950, tôi đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Giác Minh tại Sàigòn, đơn vị nầy thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam, những anh em khác nhìn chúng tôi như thứ con ghẻ, họ cho rằng Gia Đình Phật Tử là tổ chức giáo dục con em của Phật tử, còn quý Tăng có con em đâu mà thành lập đơn vị. Cụ thể trước đó vài năm Gia Đình Phật Tử Chánh Giác sinh hoạt tại chùa Phật Quang thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, năm 1953 phải xáp nhập với Gia Đình Phật Tử Chánh Tín thuộc Hội Phật Học Nam Việt, hai đơn vị nầy cải danh thành Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo, sinh hoạt tại chùa Phước Hòa do anh Nguyễn Văn Thục làm Liên Đoàn Trưởng, bác Võ Đình Dần làm Gia Trưởng.

Về phía người Bắc di cư vào Nam, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt có chư Tăng lập chùa ở nhiều nơi như Biên Hòa, Túc Trưng, Lộc Ninh, Banmêthuột, nơi nào có chùa, có Phật tử đi chùa thì Gia Đình Phật Tử được thành lập, không kể các đơn vị ở Sàigòn, Gia Định còn có GĐPT Giác Lâm, Giác Viên ở Hố Nai, Biên Hòa, Giác Hạnh ở Túc Trưng, Giác Tâm ở Lộc Ninh, Giác Hưng  Banmêthuộc. Còn Hội Việt Nam Phật Giáo bị giới hạn Chi Hội nên ngoài GĐPT Minh Tâm tại trụ sở Trung Ương chùa Phước Hòa, có Minh Tiến ở Chi Hội Trại Định Cư Phú Thọ Hòa và Gia Đình khác ở Chi Hội Hạnh Thông Tây (Gò Vấp)…

Tổ chức Gia Đình Phật Tử, khởi thủy nó được thành lập từ một gia đình, trong đó có người chủ gia đình là Gia Trưởng. Đơn vị Gia Đình đầu tiên được hình thành tại nhà Bác sĩ Lê Đình Thám, gồm có những con, những cháu và hàng xóm đã lấy pháp danh của Gia Trưởng làm danh hiệu đơn vị là Gia Đình Phật Hóa Phổ Tâm Minh.

GĐPT Giác Minh thành lập tại chùa Giác Minh nên quý vị Tăng như Đại Đức Thích Thanh Cát, Thích Đức Nhuận, Thích Chính Tiến là Gia Trưởng của Gia Đình nầy. Chùa Linh Sơn tại Ngã Tư Trung Chánh, Hóc Môn. Đại Đức Thích Từ Sơn trụ trì chùa là Gia Trưởng của Gia Đình Phật Tử Giác Sơn.

GĐPT Giác Minh thành lập tại chùa Giác Minh 578 Phan Thanh Giản Sg năm 1955

Ở các Hội, Chi Hội Phật Giáo một Hội viên được đề cử giũ chức vụ Gia Trưởng, có những hạn chế vì GĐPT là đơn vị Thanh, Thiếu, Đồng Niên sinh hoạt cần có những người trẻ, nhất là am hiểu phong trào, nên Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT Toàn quốc năm 1964, đã thay đổi ấn định ở Điều 7: Nhiệm vụ và liên lạc. Mục C. Cấp Gia Đình. 

1. Gia Trưởng:

b) Nếu Liên Ðoàn Trưởng từ 30 tuổi trở lên có đủ tư cách và uy tín với Ban Ðại Diện Giáo Hội cấp Xã, Phường hay Chi, Khuôn có thể kiêm chức vụ Gia Trưởng

Gia Trưởng, là người có đủ tư cách để làm việc với Hội hay Chi hội sở tại và có đủ kinh nghiệm sinh hoạt với GĐPT.

Đơn vị Gia Đình liên quan trực tiếp với ngôi chùa sở tại. Viện chủ hay Chủ tự hay Trụ trì là vị quản lý chùa. Gia Đình Phật Tử sinh hoạt tại chùa nào, nhất thiết phụ thuộc vào chùa đó.

Khi mới đặt chân đến Mỹ, nơi tôi định cư không có chùa, nhưng đã có vài thanh niên có đạo tâm đã tổ chức lễ Phật Đản, thỉnh HT. Thích Mãn Giác từ Cali sang chủ lễ, nơi hành lễ mượn hội trường của YMCA (Young Men’s Christian Association), có khi thỉnh Hòa Thượng Giác Nhiên cũng từ California sang, mượn Hội trường của một Chung cư tổ chức hành lễ, dần dần có Phật tử cho mượn nhà thiết trí Bàn Phật, lễ Phật hàng tuần, thỉnh Hòa Thượng Trí Chơn từ Phật Học Viện Quốc Tế tại Cali đến hành lễ đầu năm, Phật Đản, Vu Lan rồi lập Hội Phật Giáo, kiến tạo chùa thỉnh sư trụ trì, các Phật tử đi chùa có con em từng sinh hoạt Gia Đình Phật Tử ở Việt Nam, đã quy tụ lại thành lập Gia Đình Phật Tử. Hội Phật Giáo cũng như Chùa không thuộc Giáo Hội nào. Bởi vì theo luật lệ ở Mỹ, có 3 người là có thể thành lập Hội đoàn, làm đơn, đóng lệ phí là có “danh chánh ngôn thuận”, hợp pháp. Còn Gia Đình Phật Tử nầy tự tìm với vài đơn vị khác, thành lập một Miền nằm trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương của một trong những Ban Hướng Dẫn Trung Ương của GĐPTVN tại Hoa Kỳ.

Tôi muốn tìm hiểu GĐPT nào đã được thành lập đầu tiên tại Hoa Kỳ, nhân duyên nào đã hình thành đơn vị ấy. Được biết có Gia Đình Phật Tử Cựu Kim Sơn thành lập tại Niệm Phật Đường Từ Quang của ĐĐ. Thích Tịnh Từ, tại San Francisco vào mùa Hè năm 1976. Gia Đình Phật Tử Long Hoa được thành lập vào mùa Đông năm 1976 tại chùa Việt Nam, Los Angeles do TT Thiên Ân là viện chủ. Vào năm 1976, Gia Đình Phật Tử Hoa Thịnh Đốn đã quy tụ sinh hoạt nơi chùa Giác Hoàng tại Washington, DC, thuộc Hội Phật Giáo Bắc Mỹ, do ĐĐ Giác Đức trụ trì, chính thức làm lễ ra mắt vào Vu Lan năm 1977.

GĐPT Cựu Kim Sơn thành lập tại San Francisco năm 1976

GĐPT Long Hoa thành lập tại chùa Việt Nam ở Los Angeles năm 1976

GĐPT Thiện Sinh Giác Hoàng ở Washingtong DC thành lập vào cuối năm 1976

Có những chùa, viện nằm trong hệ thống tổ chức của một Giáo Hội, GĐPT nào sinh hoạt dưới mái chùa đó, đương nhiên là phải nằm trong hệ thống tổ chức của Giáo Hội đó. Còn những tự, viện không nằm trong hệ thống tổ chức của Hội hay Giáo Hội nào, Gia Đình Phật Tử nào sinh hoạt tại những nơi nầy, Ban Huynh Trưởng mà nhất là Gia Trưởng hay Liên Đoàn Trưởng có thể chọn lựa Ban Hướng Dẫn thích hợp để sinh hoạt. Như vậy dễ dẫn đến phe phái, tạo ra phe phái đương nhiên có điều không tốt xảy ra.

Thực tế cho thấy những trường hợp trên đã có, nhưng đó chỉ là biểu hiện ở mặt nổi, còn mặt khác, Gia Đình Phật Tử nào cũng theo đúng chương trình đào tạo các thành viên trở thành những Phật tử chân chánh để làm tốt Đạo, đẹp Đời.

Vài Gia Đình Phật Tử thành lập dưới mái chùa của chư Tăng miền Bắc. Chư Tăng theo xưa đặt tên là Gia Đình Thiện Sinh hay Gia Đình Phật Tử Thiện Sinh, bắt các em tụng kinh Thiện Sinh. Tuy nhiên hầu hết quý Thầy khác, để cho Gia Đình Phật Tử sinh hoạt theo đúng Nội Quy, thống nhất tụng kinh của Gia Đình Phật Tử, nội dung kinh đơn giản cho các em Oanh Vũ lên 6, lên 7 cũng hiểu được, làm được.  

Những thành viên của Gia Đình Phật Tử đã xuất gia như Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, Thượng Tọa Từ Lực, Kiến Khai, Đại Đức Phổ Hòa… Sư bà Hải Triều Âm, Sư cô Huệ Tâm, Tịnh Ngọc …. Chư Tăng đã chăm sóc vun bồi cho phong trào Gia Đình Phật Tử như Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Thiện Hoa, Minh Châu, Tịnh Từ, Sư ông Trí Hiền những vị ấy không xuất thân từ GĐPT, nhưng có tấm lòng với phong trào GĐPT, dành nhiều Phật sự cho GĐPT. Chư vị ấy thuộc Giáo Hội khác nhau, mỗi vị có thể có pháp môn tu khác nhau như vị tu Thiền, vị tu Tịnh, nhưng đều là Tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam.

Ni sư Tịnh Nguyện, viện chủ chùa Giác Hải ở Quận 10,Tp HCM, năm 1964 Ban Hướng Dẫn Trung Uơng GĐPT Việt Nam mở Khóa huấn luyện Huynh Trưởng A Dục, Ni sư Tịnh Nguyện cùng vài Ni cô khác, ghi danh theo dự khóa huấn luyện đầu tiên của ngành Nữ nầy, do chị Hoàng Thị Kim Cúc làm Trại trưởng. Vào đầu thập niên 1990, Gia Đình Phật Tử vùng Sàigòn phục hoạt, Ni sư Tịnh Nguyện đã cho thành lập ngay tại chùa Giác Hải của sư cô GĐPT Giác Hạnh, do Bác Kim Đơn làm Gia trưởng. GĐPT Giác Hạnh sinh hoạt vũng mạnh từ đó đến nay.


Thầy Thích Từ Lực sinh năm 1943 tại Thừa Thiên Huế, năm 1957 lên 14 tuổi tham gia sinh hoạt GĐPT Lương Văn do Bác Bạch Văn Tuần làm Gia Trưởng, di tản sang Mỹ năm 1975, đến năm 1977 quy y với Thượng Tọa Tịnh Từ tại Niệm Phật Đường Từ Quang, San Francisco. Năm 1985, lập Trung tâm Phật Giáo Hayward, năm 2000, kiến thiết chùa Phổ Từ, thành lập các GĐPT Chánh Tâm, Chánh Đức, Chánh Hòa. Năm 1994, được Thiền sư Nhất Hạnh, Làng Mai, công nhận là Giáo Thọ. Thầy chẳng những gầy dựng một số GĐPT sinh hoạt tại tự viện của Thầy, mà còn tham gia nhiều sinh hoạt, giúp đỡ các sinh hoạt GĐPT, vừa mới cho phép giúp Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải ngoại tổ chức Đại hội Lưỡng Niên vào các ngày 18, 19 và 20-10-2019 tại chùa Phổ Từ. Thầy luôn giăng tay đón nhận, giúp đỡ các tổ chức GĐPT không phân biệt Giáo Hội, Tăng Đoàn hay Tăng Thân.


Trong tôi còn mãi hình ảnh Bác Hiền thỉnh thoảng ngồi dãi Đông lang nhìn sang Chánh điện chùa Giác Minh, Bác nở nụ cười an lạc khi nhìn thấy các em Oanh Vũ GĐPT Giác Minh học tập, chơi đùa trong Chánh đìện, những nụ cười đó đã thúc đẩy Bác Hiền đến với GĐPT sau nầy.

Năm 8 tuổi, ảnh hưởng gia phong và chí xuất trần thôi thúc, Bác Hiền được phép song thân cho xuất gia hành điệu tại chùa Quảng Bá, một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Miền Bắc. Sau 1954, Bác Hiền di cư vào Nam, tu học tại chùa Giác Minh. Sau biến cố lịch sử năm 1963, Bác Hiền sang Nhật du học, cư trú tai Đông Hải Thiền Tự (Tokai Ji) Tokyo, Nhật Bản. Năm 1968, trở nên Thầy hành đạo tại Lâm Tế Tăng Đường (Rinzai Ji) tại Shizuoka, một Thiền Đường nổi tiếng ở Nhật. Tại đây, Thầy đảm nhiệm những chức vụ như điều khiển Tăng Đường, quản nhiệm Thiền Viện, và trở thành một trong những Nghị viên của Tăng Đường phái Lâm Tế tại Nhật Bản, một vinh dự đầu tiên dành cho người ngoại quốc, kể từ sau mấy trăm năm Thiền Tôn phái Lâm Tế được thành lập tại Nhật.

Sau biến cố 1975, không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước lớp lớp người Việt tị nạn đi tìm tự do, đang bơ vơ trên đất mới, Thầy rời bỏ Tăng Đường, xuống núi hoằng dương Phật pháp... Năm 1978, Thầy sang Washington, DC, Hoa Kỳ, hợp lực với Đại Đức Giác Đức thành lập Buddhist Social Service đón tiếp dân tị nạn. Nỗi ưu tư lớn của Thầy là hướng về thế hệ Phật Giáo trẻ trong tương lai. Thầy lặn lội từ Bắc xuống Nam, thành lập, cố vấn, chỉ đạo các Gia Đình Phật Tử Trúc Lâm (PA), Giác Hoàng, Huyền Quang, Quang Minh, Bồ Đề, Vạn Hạnh, Minh Đức…

Thầy đã giúp đỡ GĐPT không phân biệt Giáo Hội. Người ta cng tôn xưng Thầy là Sư Ông. Tôi vẫn có niềm hối tiếc với Sư Ông. Năm 2001, tôi đã mua vé khứ hồi dự Hội Ngộ Lưỡng Niên của Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, tổ chức tại chùa Pháp Quang của Sư Ông, nhưng giờ chót ngoài ý muốn tôi đã không tham dự được, Sư Ông và tôi có cùng vị Thầy, ngày 8-8-2010, Sư Ông Trí Hiền, Đệ nhất Phó Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, Cố Vấn Hội Đồng Điều Hành Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, Cố Vấn Ban Hướng Dần Trung Ương GĐPT Việt Nam Tại Hoa Kỳ, Cố vấn Giáo Hạnh Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Tịnh Khiết, Cố vấn AH/GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, Cố vấn Giáo Hạnh GĐPT Pháp Quang, Viện chủ Chùa Pháp Quang, viên tịch như vậy vĩnh viễn tôi chẳng còn cơ hội gặp Sư Ông, để tán thán công đức ngài đã vun bồi cho GĐPT Việt Nam tại Hải ngoại nói riêng và GĐPT Việt Nam nói chung.

Sư Ông Trí Hiền, ảnh chụp năm 2001 tại chùa Pháp Quang, Grand Prairies, Texas

Đã trên 70 năm Gia Đình Phật Tử được hình thành, mỗi thời kỳ xã hội, chánh trị có khi thuận duyên, có khi nghịch cảnh. Gia Đình Phật Tử sinh hoạt trong Giáo Hội nọ hay Giáo Hội kia, hoặc Hội Phật Giáo địa phương nầy hay địa phương khác, ở quốc gia nầy hay quốc gia khác, nhưng vẫn mặc áo Lam, cùng đeo huy hiệu Hoa Sen Trắng, nên phong trào Gia Đình Phật Tử vẫn tiến tới thích hợp với hoàn cảnh. Từ những nghịch cảnh đưa người Việt định cư khắp nơi trên thế giới, Gia Đình Phật Tử cũng góp mặt mọi nơi, để ươm mầm chủng tử Phật, góp phần xây dựng xã hội an vui, hòa bình thế giới.

GĐPT Giác Sơn, Ngã tư Trung Chánh, Hóc Môn, Gia Định, vào năm 1965

Tự dưng tôi có liên tưởng Gia Đình Phật Tử, hơn 70 năm rồi, hơn một đời người rồi. Nhìn lại Gia Đình Phật Tử khác chi Cành hoa tầm gửi, tốt đẹp xinh tươi trên những loại thân cây khác.

8664091119







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét