Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

Ngài Trí Quang


Năm nào đó về Việt Nam, giáo sư Nguyễn Văn Hai, tiến sĩ Toán Đại học Sorbonne, Paris, Phó viện Trưởng Viện Đại Học Huế, giáo sư Đại học Kentucky, nhờ tôi đi viếng thăm Hòa Thượng Trí Quang, lúc đó ngài đang ở Quảng Hương Già Lam, tôi nhớ trước kia ngài ở trong chùa Ấn Quang, trong căn phòng ở dãi Tây Lang, có hôm tôi đi chùa lên Chánh điện lễ Phật, lúc bước ra hành lang để quan sát chùa thì gặp ngài đang đứng nhìn qua Chánh điện, giữa ngài và tôi cách nhau vài thước, nhưng từ trước cho đến lúc gặp ngài, tôi chưa hề tiếp xúc với ngài lần nào, nên lần đó chỉ chấp tay xá ngài mà thôi.

Lần nầy nhà tôi và tôi đến Quảng Hương Già Lam, viếng thăm thầy Tuệ Sỹ trước, bởi vì lần nào đến đây tôi cũng ghé thăm Thầy, hay nói khác hơn là đi thăm Thầy nên phải đến Quảng Hương Già Lam, có khi đến Thầy đang hầu mõ, chắc chủ lễ là Hòa Thượng trụ trì, có lần đến gặp chị Xuân Hòa phu nhân của Nguyễn Khắc Từ, có lần đến gặp Vũ Thế Ngọc đồng môn ở Văn Khoa Vạn Hạnh, anh ở California về Việt Nam đến thăm Thầy.

Vì ngài Trí Quang không biết tôi, nên tôi phải nhờ thị giả báo cho ngài biết giáo sư Nguyễn Văn Hai nhờ tôi đến thăm ngài. Thị giả báo rồi hướng dẫn tôi lên lầu, tịnh thất của ngài là phòng sau cùng của dãi Đông Lang, còn Thầy Tuệ Sỹ cũng ở trên lầu nhưng dãi Tây lang phía trước.

Khi vào phòng của ngài, ngài chỉ cho chúng tôi ngồi ở hàng ghế sát cửa sổ phía Chánh điện cũng có thể nhìn thấy tháp của Hòa Thượng Trí Thủ, còn ngài ngồi ở cái bàn chênh chếch trước mặt chúng tôi phía tay phải, trên bàn là mâm cơm ngài đang dùng bữa, trên mâm ấy có trên mười cái thố bằng cái bát cơm chắc là đựng thức ăn. Bên tay phải của ngài cũng là tay phải của chúng tôi là một bàn thờ Phật, ảnh Phật khá lớn, có bát hương, có hoa đăng, chuông mõ và kệ để kinh đặt trên tấm thảm dưới nền gạch. Ngài dừng bữa, trong khi tôi trình bày mục đích thăm ngài để vấn an sức khỏe của giáo sư Hai, ngài cho biết sức khỏe cũng bình thường, hỏi tôi tu theo pháp môn nào để ngài dạy cho pháp hành trì.

Sau gần một giờ viếng thăm và được ngài ban pháp nhũ, chúng tôi chào ngài ra về. Tôi có xin chụp tấm ảnh, ngài bảo thôi khỏi, vì ngài đang dùng bữa y áo không được chỉnh tề.

Năm nay khi đi chiêm bái Phật tích ở Ấn Độ, mấy cháu mời chúng tôi sau khi về Việt Nam, vài tuần sau đi Huế viếng thăm Thiền sư Nhất Hạnh đang tịnh dưỡng ở chùa Từ Hiếu, Huế. Tôi nhớ lúc còn ở Mỹ, có đọc tin thấy Sư cô Chân Không cũng đang ở Từ Hiếu, nên muốn nhân dịp viếng thăm Thiền sư Nhất Hạnh, tiện thể thăm Sư cô Chân Không, vì từ năm 1966 chia tay với chị Cao Ngọc Phượng, chị Nhất Chi Mai, cho đến nay tôi chưa gặp lại Sư cô, nhưng ngày chúng tôi ra Từ Hiếu, Sư cô đã đi về Pháp.

Trong đoàn đi Chiêm Bái Phật tích Ấn Độ chỉ có 5 người chúng tôi, ra Huế cũng có đủ 5 người, lại ghép thêm vài người bạn khác, kẻ ở Sàigòn, người ở Úc, người ở Canada. Khi về, đã có 2 người về Sàigòn từ đêm trước, một người vào Đà Nẵng rồi mới về, còn lại chúng tôi buổi sáng đi tham quan Vỹ Dạ, cầu ngói Thanh Toàn, buổi chiều nghỉ ngơi để ra phi trường lúc 16:30. Đến khoảng 15 giờ, tôi nghĩ sao mình không đi thăm lại Từ Đàm. Nhất là nhà tôi chưa biết chùa Từ Đàm, dù đã có viếng Tường Vân, Từ Vân, Từ Hiếu, Diệu Đế, Linh Mụ. Thế là nhà tôi và tôi vội vàng lấy taxi đi đến Từ Đàm.

Đến Từ Đàm, không hỏi nhưng có người lạ tự chỉ cho chúng tôi biết phòng của Hòa Thượng Trí Quang, ở trên lầu dãi Đông lang. Thế là chúng tôi lên lầu để viếng ngài. Tôi nghĩ tôi không ai biết, nên nhờ người báo cho thầy thị giả, trước kia khi Hòa Thượng ở Quảng Hương Già Lam, giáo sư Nguyễn Văn Hai nhờ tôi đến viếng thăm Hòa Thượng, nay nhân tiện ra đây xin được viếng thăm Hòa Thượng. Thị giả ra hỏi tôi có phải giáo sư Nguyền Văn Hai là Hồng Dương không ? Tôi trả lời là đúng. Thế là Thầy thị giả mời tôi vào thăm, nhưng cho biết Hòa Thượng bị bệnh mất ngủ, nay ngài đang ngủ, thị giả không dám đánh thức ngài. Tôi xin chụp ảnh, thị giả cho biết không nên. Khi vào thăm ngài đang nằm ngủ, dắp chiếc chăn bông khắp cả người, chỉ chừa cái đầu trùm kín chiếc mũ ni. Ngài nằm nghiêng, chỉ có đầu và bàn tay ló ra ngoài cái chăn bông. Nhà tôi và tôi cùng lễ ngài, nhưng thị giả ra dấu chỉ xá mà thôi sau khi tôi đã lạy được một lạy.

Nay nghe tin ngài viên tịch, đọc được vài dòng tiểu sử người ta viết sơ lược về ngài như sau:

Hòa Thượng Trí Quang là một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Mãi cho tới ngày nay, nhiều thập niên sau khi chiến tranh kết thúc, báo chí, dư luận quốc tế, trí thức trong và ngoài nước vẫn chưa hết thắc mắc, không biết Hòa Thượng Thích Trí Quang theo quốc gia hay cộng sản; là cao tăng dấn thân vì đạo, bị cộng sản Bắc Việt lợi dụng, hay là ‘CIA chiến lược’ như tố cáo của các cán bộ cộng sản, hoặc ‘cộng sản nằm vùng’ hoạt động theo chỉ đạo từ Hà nội. Những thắc mắc đó vẫn là đề tài tranh cãi không dứt giữa các nhà khoa bảng, các nhà báo, cũng như trong giới tình báo Mỹ.

Nhưng điều mà dường như mọi người đều đồng ý là Hòa Thượng Thích Trí Quang là một lãnh đạo Phật giáo đầy quyền lực vào lúc mà sức mạnh của giáo hội Phật Giáo lên cao nhất trong những năm đầu và giữa thập niên 1960. Lúc đó, Time, tạp chí có uy tín của Mỹ, đã đăng ảnh của Hòa Thượng trên trang bìa với dòng chữ “người đã làm lung lay nước Mỹ”.

Theo quyển Tiểu Truyện Tự Ghi của Hòa Thượng Thích Trí Quang, thì ngài sinh quán của tại làng Diêm Điền thuộc khu vực phía tây sông Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình.

Tên thật là Phạm Quang, Thích Trí Quang sinh ngày 21-12-1923 tại Quảng Bình, xuất gia năm 1936, lúc 13 tuổi. Ông là đệ tử của Hòa Thượng Thích Trí Độ, Chủ tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc. Tham gia hoạt động của Hội Phật giáo này của Việt Minh, ông bị Pháp bắt giam năm 1946. Năm 1947, khi được thả, ông theo Việt Minh vào chiến khu chống Pháp. Nhưng sau đó ông bỏ Việt Minh, trở lại con đường tu hành cho tới năm 1963, ông ‘cảm thấy có trách nhiệm phải đứng lên bảo vệ Phật tử và Phật giáo’ sau sự kiện “Pháp Nạn Phật giáo’, khi 8 thanh niên Phật tử bị bắn chết vào đêm 8/5/1963 ở chân cầu Trường Tiền.

Làn sóng phản đối lan rộng, lên tới cao điểm khi xảy ra vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức ngày 11-6-1963, làm thế giới bàng hoàng xúc động, tên tuổi của Thượng tọa Thích Trí Quang lan sang Hoa Kỳ và thế giới.

Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) ra đời, đưa Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết làm Đệ Nhất Tăng Thống, Thượng Tọa Thích Trí Quang là Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, trong khi Thượng Tọa Thích Tâm Châu là Viện trưởng Viện Hóa Đạo.

Năm 1967, GHPGVNTN bị phân hóa vì b
ất đồng chánh kiến, nên Thượng Tọa Thích Tâm Châu từ chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng Tọa Thích Trí Quang từ chức Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, nhưng vẫn không hàn gắn được nội bộ, dẫn đến việc  chia ra 2 khối Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự.

Các học giả cánh hữu cho rằng Thích Trí Quang có nhiều khả năng là cán bộ cộng sản hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hà Nội. Còn các học giả cánh tả lại cho rằng ông là một Thủ lãnh tôn giáo đấu tranh bất bạo động cho hòa bình và để bảo vệ Phật giáo.

Nhà nghiên cứu James McAllister của Đại học Cambridge, trong bài tham luận “Thích Trí Quang và Chiến Tranh Việt Nam” (Only Religions Count in Vietnam: Thich Tri Quang and the Vietnam War) được Nhà Xuất Bản Modern Asian Studies ấn hành năm 2007. Bài tham luận viết:

“Nói tóm lại trong quá trình nghiên cứu của tôi, tôi không tìm ra được bất cứ quan chức Mỹ nào có thể nhận diện được, chưa nói tới bất cứ quan chức cấp cao nào, nghĩ Thích Trí Quang là người cộng sản hay có cảm tình với cộng sản.”

Từ sau năm 1975, Đại lão Hòa thượng Trí Quang vẫn ở tại chùa Ấn Quang, rồi tu viện Quảng Hương Già Lam (Tp. HCM) độc cư, chuyên tâm hành trì, viết sách, dịch và chú giải kinh, luật, luận…

Năm 2013, ở tuổi 91, Đại lão Hòa thượng đã trở về thăm quê nhà sau hơn 60 năm xa cách và lưu lại chốn cũ là chùa Từ Đàm, tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm hành trì cho tới ngày viên tịch.

Ngài cũng đã về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, nơi được Bổn sư thế độ xuất gia, thăm lại mộ phần của song thân ở Quảng Bình.

Sắc tứ Phổ Minh Tự tại Quảng Bình

Được biết, Đại lão Hòa thượng được Bổn sư phú pháp, Thiền tông Lâm Tế, Thiền hệ Đạo Mân Quốc sư, lưu xuất từ Tổ sư Nguyên Thiều, với pháp danh Nhật Quang, pháp tự Trí Hải, pháp húy Thiền Minh. Đạo hiệu Trí Quang là do Giáo thọ sư của ngài là Đại sư Trí Độ ban."

Hòa Thượng Thích Trí Quang, một nhân vật quan trọng trong Phật Giáo Việt Nam cận đại, đặc biệt giai đoạn chiến tranh Việt Nam, viên tịch lúc 21 giờ 45 phút (giờ Việt Nam), ngày 8 tháng 11, 2019, theo thông báo của Hòa Thượng Thích Hải Ấn, trụ trì chùa Từ Đàm:


Thầy Tuệ Sỹ và chư Tăng đi nhiễu kim quan Hòa Thượng Thích Trí Quang

Trông thấy ảnh ngài Tuệ Sỹ đi nhiễu kim quan của Hòa Thượng Trí Quang, gợi tôi nhớ lại cũng đã lâu rồi, không được viếng thăm ngài, dù thầy Tuệ Sỹ và tôi chỉ cách nhau có một cái thang lầu. Bây giờ tôi mới nghĩ ra chắc Thầy và tôi hết duyên, chớ thầy thị giả Hạnh Viên không thể có quyết định nầy.

Theo huyết thống, Hòa Thượng Thích Trí Quang là cậu ruột của ngài Tuệ Sỹ. 

866410112019



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét