Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Đà Lạt mù sương


(Trích hồi ký Một đời làm Trưởng của Phúc Trung)

Hồi đó, Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam (BHDTW) mới thành lập, văn phòng đặt tại Tổng Vụ Thanh Niên, đó là một công ốc ở đường Hiền Vương, gần công trường Dân Chủ, quận Ba Sàigòn.

Mặc dù trong Ban Hướng Dẫn bấy giờ có anh Tống Hồ Cầm, Phó Trưởng Ban Ngành Nam, nguyên Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GÐPT Nam Việt, chị Ðoàn Thị Kim Cúc Ủy viên Nữ Phật Tử, Gia Trưởng GÐPT Giác Hoa, nguyên Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn GÐPT thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam, anh Ðoàn Văn Lộc, Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Chánh Ðạo, là những người không nắm trực tiếp điều hành các GÐPT tại thủ đô Sàigòn.

Hơn nữa, BHDTW muốn trực tiếp điều hành sinh hoạt tại Thủ Ðô, nên các GÐPT miền Quảng Ðức (Thủ Ðô Sàigòn), đặt trực thuộc BHDTW, lại chỉ định một vài Huynh Trưởng phụ trách điều hành, trong đó có anh Thịnh, hình như là Liên Ðoàn Trưởng GÐPT Chánh Ðạt và Ban Ðại Diện GÐPT miền Vĩnh Nghiêm cũng được yêu cầu dự họp với BHDTW trong các phiên họp định kỳ hàng tháng chỉ có Ban Thường Vụ hay tam cá nguyệt gồm các Ủy viên và Ðại Diện Miền, tôi là Thư Ký ban Ðại Diện Miền Vĩnh Nghiêm, nên thường thay mặt cho Bác Ðại Diện Nguyễn Ðức Lợi đi dự các phiên họp nầy.

Tại trụ sở Tổng Vụ Thanh Niên, lúc đó có các Vụ như Gia Ðình Phật Tử Vụ, Vụ Trưởng là anh Võ Ðình Cường, Thanh Niên Phật Tử Vụ, Vụ Trưởng là anh Nguyễn Hữu Huỳnh, Sinh Viên Phật Tử Vụ, Vụ Trưởng là anh Trần Quang Thuận, Học sinh Phật Tử Vụ, Vụ Trưởng là anh Huỳnh Bá Huệ Dương. BDHTW thường họp vào tối Thứ Bảy cuối tháng từ 7 giờ trở đi. Văn phòng Vụ Trưởng GÐPT vụ và BHDTW ở trên lầu, nhưng các phiên họp thường họp ở tầng trệt. Lúc đó thường dự họp có các anh Võ Ðình Cường, Tống Hồ Cầm, Lương Hoàng Chuẩn, Lê Cao Phan, Nguyễn Văn Thục, Nguyễn Minh Hiền ( Lữ Hồ), Nguyễn Khắc Từ, Cao Chánh Hựu, Lê Văn Lộc, Ðoàn Lộc, Ðỗ Ðình Kỳ, chị Ðoàn Thị Kim Cúc, chị Phạm Thị Xuân Viên, trong các phiên họp tam cá nguyệt còn có anh Nguyễn Thanh Quang (Miền Huệ Quang), Mã Thành Cưng (Miền Khánh Hòa), Trần Ngọc Giao (Miền Khuôn Việt)...

Vào dịp Hè năm 1965, lần đầu tiên BHDTW họp tam cá nguyệt ở Ðà Lạt, phiên họp nầy do Miền Liễu Quán tổ chức. BHDTW muốn có những phiên họp tại các Miền, như vậy để tác động tinh thần sinh hoạt GÐPT địa phương và nắm được tình hình cụ thể của GÐPT trong miền.

Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam nhiệm kỳ 2 (1967-1970)

Lần đó, vào sáng sớm anh chị em tập trung ở trụ sở Tổng Vụ, rồi có xe ca đưa lên phi trường Tân Sơn Nhất, từ đó phi cơ quân sự đưa ra phi trường Liên Khàng. Chuyến đi nầy có anh Võ Ðình Cường, Tống Hồ Cầm, Lương Hoàng Chuẩn (anh Lê cao Phan và Lữ Hồ thường gọi là Lương Hoàng Sám), Nguyễn Văn Thục, Lê cao Phan, Nguyễn Khắc Từ, Lữ Hồ, Cao Chánh Hựu ... lại có tháp tùng theo là chị Cường, chị Lữ Hồ, con gái anh Chuẩn và một hay hai chị nữa, tôi không nhớ là chị nào, chuyến bay nầy dành riêng cho phái đoàn BHDTW, chừng 30 người cả thảy.

Phi cơ đáp xuống phi trường Liên Khàng, có các anh Nguyễn Châu, Ðoàn Văn Thiệp, Nguyễn Hữu Thạnh ra đón, tất cả lên xe một chuyến xe bus đi thẳng về chùa Linh Sơn.


Ban tổ chức sắp xếp, họp và ăn uống tại chùa Linh Sơn, ngủ nghỉ thì ở Ký Nhi Viện nằm ở giữa đường đi từ chùa Linh Sơn ra chợ Hoà Bình (nay là đường Võ Văn Tần). Theo chương trình, buổi chiều hôm ấy họp, buổi tối tự do, sáng hôm sau tham quan các chùa, viếng cảnh, sau cơm trưa chia tay.

Họp buổi chiều ấy cũng không có chi quan trọng, Các Miền thay phiên nhau báo cáo tình hình sinh hoạt trong Miền, đặc biệt Miền Khuôn Việt báo cáo tình hình cụ thể, rồi anh Tổng Thư Ký Cao Chánh Hựu báo cáo đại cương tình hình sinh hoạt trong toàn quốc, phương hướng sắp tới, sau buổi họp dùng cơm do các chị Mười, chị Lý trổ tài gia chánh.

Gia Ðình Phật Tử Ðàlạt vào đầu thập niên 60 có xuất bản tập san HOA NIÊN, một tập san có giá trị về hình thức lẫn nội dung, hình thức được sự chăm sóc của anh Thiệp nên rất mỹ thuật, có một huynh trưởng vào học Ðại Học ở Sàigòn, nên anh ấy phát hành tạp san Hoa Niên ở Giác Minh, Chánh Ðạo ... tôi có gửi đăng một kịch thơ HOA BÔNG BÓNG NƯỚC, kịch nầy tôi phỏng theo mẫu chuyện đạo Tràng Hoa Bông Bóng trong quyển Phật Pháp, kịch đã được trình diễn trong dịp lễ ra mắt của Gia Ðình Phật Tử Chánh Hạnh ở Châu Ðốc, tập san nầy sau pháp nạn 63 có tái bản, dịp nầy tôi có xin anh Thiệp tập san có kịch thơ của tôi (nay không còn giữ được).

Chiều tối hôm đó, anh Tuệ Linh lái một chiếc xe Jeep dân sự đến Ký Nhi Viện thăm chúng tôi, rồi anh mời anh Nguyễn Khắc Từ và tôi đi ăn, lúc đi anh Cầm quá giang xe đến nhà người quen, sau đó anh Tuệ Linh đưa chúng tôi đến Restaurant Sanghai (Nhà hàng Thượng Hải), ở khu chợ Hòa Bình, gần cà-phê Tùng cũng chẳng xa Ký Nhi Viện. Vì đã dùng cơm chiều rồi, mỗi người chúng tôi chỉ dùng một đĩa súp, uống một chai bia 33 thăm hỏi nhau và đề cập đến sinh hoạt, lâu ngày gặp lại hàn huyên trong bửa cơm chưa đủ, anh Tuệ Linh đưa chúng tôi ra nhà hàng Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương. Tôi chọn chỗ ngồi cho mình, nhìn về phía khu chợ Hòa Bình, không gian trãi rộng mặt hồ, bên tay phải ở cuối đàng xa kia là thánh đường hay chủng viện, bên tay trái là con đường dẫn vào khu chợ, phía sau lưng là khách sạn Palace. Ðêm ấy có trăng sáng, mặt hồ có sương mù làm mờ nhạt ánh đèn đêm, nhà cửa thấp thoáng ánh đèn, ẩn hiện với những cây thông, núi đồi mờ nhạt, tạo nên cảnh thành phố trong sương mờ, như bức tranh thủy mạc.

Trong khung cảnh đó, nhắc lại kỷ niệm năm xưa, lần đầu tiên chúng tôi quen biết nhau ở trong Ðại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc kỳ IV tại chùa Xá Lợi năm 1961, lần nữa chúng tôi có với nhau nhiều kỷ niệm trong chuyến Phái đoàn Huynh Trưởng GÐPT Thủ đô ra thăm viếng Huế đầu năm 1964, chính anh Từ là người tổ chức tiếp đón phái đoàn, ba chúng tôi trực tiếp liên hệ với nhau, để xếp đặt các chương trình thăm viếng, tham quan nào là chùa Bảo Quốc, Tường Vân, Từ Hiếu, Trà Am, Hồng Vân, nào là Ðại nội, lăng tẩm các vì vua Tự Ðức, Ðồng Khánh, Khải Ðịnh, Thiệu Trị, trại 9 hầm, lăng cậu Cẩn, mộ đại đức Thích Tiêu Diêu, gia đình thánh tử đạo Nam Oanh Vũ Ðặng Văn Công, dự trại họp bạn Quảng Ðức tại Ðàn Nam Giao ngày 12-1-1964...


Rồi anh Tuệ Linh ra ngoài xe, một chốc trở lại với một cái chai, anh nói : - Có người bạn ở Vĩnh Long vừa gửi cho chai rượu đậu nành, chúng ta mỗi người uống một ly để thưởng trăng đêm nay, ai có xúc cảnh thành thơ thì càng hay.

Hình như chúng tôi không ai có tâm hồn thi sĩ, hay không có thi hứng, nên chẳng ai sáng tác được câu thơ nào. Tôi hỏi anh Tuệ Linh vì sao rời bỏ Thủ đô hoa lệ, bỏ anh em lên thành phố sương mờ nầy, anh cho biết cả gia đình của chị Tuệ Tâm cũng dời lên đây, còn anh ở đường Quang Trung, nhà anh ở có cả một vườn hoa hồng, anh hứa rồi sẽ đưa chúng tôi đi thăm gia đình chị Tuệ Tâm.

Ðến khoảng mười giờ đêm, rời nhà thủy tạ, anh Tuệ Linh lái xe đưa chúng tôi đi thăm gia đình chị Tuệ Tâm, ở một thôn ấp không xa thành phố, nay tôi không thể nhớ được, hình như là khu Quang Trung.

Xe chạy trên đường ngoằn ngoèo, hai bên có những cây thông cao che khuất bầu trời, để những vệt sáng trăng chiếu qua cành lá, khung cảnh có vẻ tịch mịch hoang sơ, mặc dù đang ngồi trên xe, nhưng nhìn ra khung cảnh bên ngoài, tôi cảm thấy mình đang sống gần với thiên nhiên, với đồi núi và rừng thông.

Ðến nơi, muốn vào nhà chị Tuệ Tâm, chúng tôi phải đi dưới một dàn giây leo, ban đêm tôi không trông rõ, hình như đó là giàn dưa Tây, đường vào nhà trên mặt đất lỗ chỗ ánh trăng và bóng tối. Vào trong nhà, chúng tôi được gặp chị Tuệ Tâm và chị Thanh Minh, chị Tuệ Tâm thì vẫn nghiêm nghị, khắc khổ, trái lại chị Thanh Minh thì lúc nào cũng dí dỏm. Gặp lại hai chị ấy, tôi nhớ thuở còn sinh hoạt ở Gia Ðình Minh Tâm, tại chùa Phước Hòa, ngoài hai chị nầy còn có chị Kim Dung, cô Minh Châu, Ðịnh, cập Oanh vũ Y và Như.

Thăm viếng chốc lát, thấy đêm đã khuya, chúng tôi cáo từ, anh Tuệ Linh đưa chúng tôi trả lại Ký Nhi Viện. Ðêm đó, các chị nằm nghỉ ở tầng trệt, còn anh em chúng tôi nằm trên lầu, tầng lầu nầy có lẽ dành để buổi trưa cho các em nằm ngủ, nên không có gì cả, trống trơn, tầng nầy lát gỗ, nhờ lau chùi mỗi ngày gỗ trở nên bóng nhẵn có màu vàng sậm.

Khi chúng tôi về tới, một số các anh đi thăm viếng người quen, hay dạo chơi đã về trước rồi, nhưng chưa ai ngủ cả, anh Cường đang nằm nói chuyện với anh Phan, anh Thục cũng chuẩn bị đi nằm, anh Từ và tôi đi thay quần áo ngủ, trở lại nhìn kỷ thấy các anh nằm thành hai dãi, chạy dọc theo chiều dài của căn phòng, lối đi ở giữa, chân đối nhau. Khi ấy tôi mới để ý là mỗi người có tới 3 cái chăn để đắp, vì chăn của trẻ em nên không đủ trùm cả người, thấy tôi sắp sửa nằm, anh Cường nói:

- Tông! Ở đây em là người trẻ nhất, hôm nay chịu khó phục vụ dùm, lấy chăn đắp cho các anh, chớ chăn nhỏ mỗi anh tự đắp hơi khó.

Có anh nào đó cũng phụ họa cho vui: - Ý kiến anh Cường hay đó ! Tông làm giúp cái chơi !
Tôi vui vẻ đáp ngay : - Tưởng gì chớ chuyện ấy dễ ợt ! Lâu ngày đàn em mới có dịp phục vụ các anh.

Nói xong tôi đi lấy chăn đắp cho anh Cường, anh Cầm và anh Chuẩn, còn những anh khác tự đắp cho mình rồi. Ðèn được tắt bớt, chuyện to nhỏ bên nhau vẫn còn, sức trai trẻ tôi ngủ tự lúc nào.

Khi tôi thức dậy, mọi người đã thức rồi. Tôi vội vàng xếp mấy tắm chăn, đi xuống tầng dưới xúc miệng, rồi thay y phục đi ăn sáng. Ngày hôm đó sau khi điểm tâm rồi có thời gian đi chợ mua sắm quà, khoảng 9 giờ mới đi viếng chùa Sư nữ Linh Phong, đến thăm hồ Than Thở, bên kia đường cỏ úa hoang tàn có vài nấm mộ. Ðó chính là Ðồi Thông Hai Mộ, một mối tình kết quả bi thương, hai kẻ gặp nhau chăng ở chốn tuyền đài ? Cuộc đời khổ nhọc, bi thảm cũng bởi vô minh mà ra.

Trở lại chùa Linh Sơn dùng cơm trưa, rồi ra xe đến phi trường Cam Ly chờ phi cơ đón về. Các anh chị ở Ðàlạt đưa đến đó, chia tay nhau rồi họ trở về chùa để sinh hoạt với các em. Chúng tôi đợi phi cơ rất lâu mới có một chiếc đáp xuống, phi công cho biết họ phải đi Nha Trang không thể đưa chúng tôi về Sàigòn, họ khuyên nên liên lạc với Sàigòn để xin chuyến bay khác. Nhưng ở Sàigòn trả lời phải ngày hôm sau mới có. Anh Lữ Hồ nói :

- Phải biết trước như vậy, nhà tôi xin một chuyến USOM bảo đảm hơn.

Nhiều người cho biết ý kiến là cần phải về, vì ngày mai Thứ Hai còn phải đi làm. Anh Cường nói với anh Hựu :

- Hựu xem tiền còn đủ hay không? Ra chợ thuê một chuyến xe đi về, nếu không có đủ tiền thì mượn đỡ các anh chị ở đây, về Sàigòn gửi ra trả.

Anh Hựu đáp ngay : - Dạ tiền thì có sẵn đây, nhưng không biết có còn xe hay không, để em đi ngay.

Thế là anh Hựu đi thuê xe, còn các anh các chị ngồi đó chờ, buổi trưa ngồi ở phi trường Cam Ly nhìn trời, nhìn cảnh, nhìn dòng nước ở thác Cam Ly chảy, lòng tôi thật thảnh thơi, nhớ tới năm, sáu năm trước cũng một chuyến đi Ðàlạt với Ðoàn Huynh Trưởng A Dục đầy phấn khích.

Cuối cùng anh Hựu mướn được chuyến xe đò lở, chúng tôi lên xe, chào từ giả thành phố hoa hồng, lòng vẫn mong có ngày tái ngộ.

Xe chạy đến đèo Bảo Lộc thì bị ngừng lại, tôi vẫn tưởng kẹt đèo(đèo nầy dài chừng 10 cây số, hồi đó đường nhỏ hẹp, mỗi lần xe chỉ chạy một chiều qua đèo, chiều kia phải ngừng lại chờ), lúc đầu còn ngồi trong xe, sau vừa đợi lâu vừa nóng nực nên tất cả xuống xe, chia nhau ngồi từng nhóm nhỏ trò chuyện. Ngay đó có một căn nhà bên đường, có vài anh đã vào trong đó nghỉ.

Một lúc sau, tôi cũng đi vào đó, căn nhà lợp lá, vách phên, gian trước ở chính giữa có một bàn thờ đóng bằng gỗ tạp, kê dựa vách, có hai bộ ván, bộ ván phía tay phải có kê thêm một cái bàn gỗ hình chữ nhật, trên bàn có một bình trà, một cái đĩa bàn để mấy cái ly thủy tinh, lâu ngày đã ngã màu vàng, cạnh đĩa ly lại có một cái đĩa bàn đựng mấy củ khoai lang nõn nà còn phơn phớt tỏa khói. Anh Cường ngồi trên bộ ván đó cạnh một đầu bàn, đầu bàn kia là anh Phan ngồi, sau các hai anh ấy còn có vài anh khác ngồi hay nằm, bộ ván bên tay trái nhiều anh em trẻ ngồi, tôi để ý nhìn không thấy chủ nhà. Tôi không hiểu có ai quen với chủ nhà mà lại được đãi nước trà với khoai lang luộc, nếu không có ai quen, quả chủ nhà là người hiếu khách, gìn giữ được tạp quán của dân tộc chúng ta.

Tôi chọn bộ ván bên tay trái ngồi, nghe anh Cường kể chuyện, tôi không rõ anh ấy kể chuyện chi, nhưng có vẻ hấp dẫn và bi thương vì ai cũng yên lặng để lắng nghe, anh kể tiếp :

.. cho đến người cuối cùng cũng chết, không còn ai nữa để chôn cất cho anh ta. Tất cả mọi người trong thung lũng đều đã chết. Từ đó người ta đặt cho thung lũng ấy tên là Thung Lũng Chết.

Nhiều người đọc tác phẩm Ánh Ðạo Vàng, Thử Hòa Ðiệu Sống... mấy ai đã nghe anh Cường kể chuyện ? Một câu chuyện bi thương, tiếc rằng tôi chỉ nghe được có đoạn kết, nhưng nó lắng đọng trong tâm tư của tôi từ năm nọ chồng chất sang năm kia.

Rồi cũng đến lúc chúng tôi lên xe đi về, xe chạy một đổi chúng tôi thấy có vài anh lính trận, mặc quần áo rằn ri xốc xếch, người mệt mỏi, vẻ mặt căm hờn hay giận dử, lầm lì xách súng đi bên đường, cánh rừng ven theo con lộ từng cụm khói còn bốc lên, chứng tỏ chiến trận vừa mới xảy ra, cảnh ấy làm cho người ta sao khỏi nhớ tới Chinh Phụ Ngâm:

Dấu binh lửa nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương.
Phận trai già ruỗi chiến trường,
Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về.

Về đến Sàigòn trời đã gần tối, chúng tôi chia tay nhau khi xe dừng lại ở đường Hiền Vương gần trụ sở Tổng vụ, mỗi người uể oải trở về nhà mình. Hình ảnh người đi trước tôi, anh ta mặc một chiếc sơ mi màu lam tay dài, quần dài cũng màu lam, đầu đội nón bánh ú, người ốm cho nên thấy hơi cao. Ðó là cái lưng của anh Thịnh, hình ảnh sau cùng anh đã để lại trong tôi, sau nầy nghe nói anh đã hy sinh trong màu áo Cảnh sát Quốc gia.

Ngày nay viết những dòng nầy gợi nhớ tới chuyến đi họp của BHDTW ở Ðàlạt năm xưa, các anh Lương Hoàng Chuẩn, Nguyễn Minh Hiền, Nguyễn Khắc Từ, chị Trần Thị Kim Tâm đã an giấc nghìn thu trong chốn trần lao cát bụi nầy.


Thời đó, người ta thương yêu nhau, đoàn kết với nhau, trên dưới một lòng, anh anh, em em hết dạ tôn kính nhau, hăng say hoạt động cho phong trào, vì phong trào. Phải chăng đó chính là thời vàng son của Gia Ðình Phật Tử.

Louisville, July 4th 1998
Ngày 11-10-2019








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét