Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Sơ Thảo Gia Đình Phật Tử Nam Việt


Phúc Trung Hunh Ái Tông

(Trích đăng lại từ Bản Tin của AHVN Số 31 ấn hành ngày 15-1-1996)

Các nhà Sử học nói rằng: Những gì thuộc về lịch sử muốn viết cho được trung thực và khách quan phải viết vào 50 năm sau đó.

Ngày nay viết về Gia Đình Phật Tử Nam Việt cũng còn hơi sớm, tuy nhiên những người trong cuộc như anh Nguyễn Hữu Huỳnh có nói chuyện về “Sự hình thành của Gia Đình Phật Tử tại Miền Nam” đăng trong KHÓA TU HỌC ANOMA GĐPT VĨNH NGHIÊM năm 1993, Anh Nguyễn Văn Thục viết về LƯỢC SỬ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM phổ bién năm 1995, căn cứ vào đó và những Tư liệu (gồm những thư của Anh Tống Hồ Cầm, Nguyền Hữu Huỳnh, Nguyễn Văn Thục trả lời thư hỏi của chúng tôi năm 1994), chúng tôi viết bài nầy cũng để bổ túc vào bài viết về GĐPT Nam Việt đã không có đăng trong Đặc San Nhóm Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại đã phát hành vào lễ Hiệp Kỵ GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại tổ chức vào ngày 18-11-1995 tại California.

Cho phép chúng tôi được nói thêm, năm 1957, khi chúng tôi mới bước chân vào GĐPT Giác Minh, chính anh Nguyễn Văn Thục làm Liên Đoàn Trưởng, từ năm 1958, chúng tôi biết anh Tống Hồ Cầm còn có bút hiệu Tống Anh Nghị và những năm sau đó, trong sinh hoạt tại Thủ đô Sàigòn. Còn anh Nguyễn Hữu Huỳnh Đoàn Phó Đoàn Huynh Trưởng A DỤC thuộc Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt, tôi là Đội Trưởng Đội Kiền Trắc.

I.- THUỞ SƠ KHAI 1950-1952

Sau khi quy y với Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân, Hué vào Rằm tháng Bảy năm Mậu Tý (19-8-1948) anh Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục được chú Minh Châu – nay là Hòa Thượng Thích Minh Châu – đưa anh đến sinh hoạt tại Gia Đình Phật Hóa Phổ CHÂN TRI, Huế. Sau đó Thầy Thanh Thùy và đạo hữu Tôn Thất Tùng khuyến khích anh thành lập một GĐPHP, sinh hoạt tại chùa Từ Đàm. Vào tháng 10 năm 1949, không may anh Nguyễn Văn Thục phải rời bỏ Huế một cách vội vàng để vào Sàigòn.

Vào Sàigòn, anh Nguyễn Văn Thục phải mưu sinh bằng nghề dạy học, đầu tiên dạy kèm cho con ông bà Giám Đốc hãng dĩa Asia. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của ông bà nầy, anh mở trường học đặt tên là GIA ĐÌNH BỔ TÚC HỌC VỤ CHÂN TRI, sau đó anh tìm được quý Thầy miền Trung ở Phật học đường MAI SƠN nay là chùa Sùng Đức, số 116 đường Hùng Vương, phường 1, Quận 11 Tp HCM. Nhờ quý Thầy khuyến khích, sớm nhất vào năm 1950 anh Thục mới có thể thành lập tại đây GIA ĐĨNH PHẬT HÓA PHỔ CHÂN TRI SÀIGÒN.

Anh Nguyễn Hữu Huỳnh, Pháp danh Nhật Minh, Pháp tự Pháp Huệ là một thành viên của Ban Đồng Ấu Phật Giáo ở Huế. Năm 1941 anh vào Nam lập nghiệp, có tham gia sinh hoạt Hướng Đạo Việt Nam. Ngày 19-9-1950, Hội Phật Học Nam Việt do một số quý Thầy và Cư sĩ thành lập, Hội quán đặt tại chùa Khánh Hưng Hòa Hưng. Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe giữ chức Hội Trưởng, bác sĩ Nguyễn Văn Thọ (em ruột của Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm) giữ chức Phó Hội Trưởng, Bác Mai Thọ Truyền Tổng Thư Ký, anh Nguyễn Hữu Huỳnh là Phó Tổng Thư ký, anh là thành viên của Phái Đoàn Hội Phật Học Nam Việt, tham dự Đại hội Phật Giáo tổ chức tại chùa Từ Đàm Huế vào các ngày 6, 7, 8 – 1951, để thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Trong Đại Hội Thư ký Đoàn gồm có Bác Viên Quang Nguyễn Đình Dương, Gia trưởng GĐPT Minh Tâm đã mất 12-7-1994, anh Tống Hồ Cầm, Ban viên Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Việt, anh Nguyễn Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký HPHNV.

Qua Đại Hội Phật Giáo, các anh chị Huynh Trưởng biết anh Nguyễn Hữu Huỳnh là người Huế, họ liền yêu cầu anh tham dự trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Kim Cang, trại đang mở lúc đó, các anh Lê Vinh, Trần Thanh Hiệp, Đặng Văn Khuê thuộc GĐPHP Minh Tâm Hà Nội, đã tham dự Đại Hội Gia Đình Phật Tử toàn quốc kỳ I, nhân dịp đó cũng tham dự Trại – các anh chị ấy đặt hy vọng anh Huỳnh sẽ là một hạt nhân để bành trướng Gia Đình Phật Tử vào vùng đất miền Nam.

Về đến Sàigon cùng năm 1951 nầy, anh Nguyễn Hữu Huỳnh đã trình bày phong trào Gia Đình Phật Tử với Hội, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ lúc đó là Trưởng Ty Vệ sinh thành phố Sàigòn Chợ Lớn, ông được cấp công ốc, có nhiều con cháu ở tỉnh về tá túc ở trọ để đi học, anh Huỳnh đã vận động và được sự đồng ý của BS Nguyễn Văn Thọ, anh mời Bác sĩ Thọ làm Gia trưởng và lấy pháp danh của ông ta để đặt tên cho Gia Đình, đó là GIA ĐÌNH PHẬT TỬ CHÁNH TÂM (Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ pháp danh Chám Tâm, Bác Mai Thọ Truyền pháp danh Chánh Trí, đều là đệ tử của Hòa Thượng Thích Hành Trụ bên Thủ Thiêm, Sàigòn) GĐPT Chánh Tâm sinh hoạt tại công ốc của Bs Thọ, ở tại số 31 đường Nguyễn Thông, Quận 3, Tp HCM, phía sau chùa Xá Lợi, GĐPT Chánh Tâm lúc đó chỉ có một Đoàn Thiếu Nữ và một Đoàn Đồng Nữ, Huynh Trưởng chỉ có chị Bội Quỳnh, con gái của Luật sư Nguyễn Long, anh Nguyễn Mạnh Yên phụ trách Văn nghệ, anh Lê Quang Du phụ trách về Truyền tin.

II.- GIAI ĐOẠN HỢP NHẤT 1952-1953

Ngay khi mới thành lập, để cho GĐPHP Chân Tri sinh hoạt có nề nếp, anh Nguyễn Văn Thục đã mở trại huấn luyện A DỤC vào các ngày 3, 4, 5-5-1950 tại Vườn Lài, gần chùa Ấn Quang, để huấn luyện Huynh Trưởng và Đội, Chúng Trưởng. Vào dịp lễ Thành Đạo năm Canh Dần (15-1-1951) , Thầy Huyền Dung cho phép GDPHP Chân Tri dời về sinh hoạt tại chùa Phật Quang do Thầy làm Trụ Trì, chùa nầy ở tại 217-219 đường Đào Duy Từ, Phường 7, Quận 5, Tp HCM. Thầy Huyền Dung đã đổi tên GĐPHP Chân Tri ra GĐPHP CHÁNH GIÁC, sau nầy thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Lễ Thành Đạo năm Tân Mão (4-1-1952), GĐPT Chánh Giác đã tổ chức “Triển Lãm mừng ngày Thành Đạo và kỷ niệm Đệ nhất chu niên Gia Đình Phật Tử Chánh Giác.”

Năm 1951, anh Nguyễn Văn Thục lần bước xuống Lục tỉnh thăm dò để bành trướng phong trào GĐPT, nhờ một Thầy ở Sa Đéc giới thiệu, anh đã đến Mỹ Tho để ra mắt Thầy Thiền Định. Nay là Hòa Thượng Thiền Định ở Pháp, Phó Chủ Tịch Hội Phật Giáo Liên Hữu Thế Giới - từ đó Thầy đi các tỉnh để cổ động thành lập Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, còn anh Thục tháp tùng theo để thành lập các Gia Đình Phật Tử. Bước đầu nầy, Thầy Thiền Định đã giúp anh Thục, chẳng những Thầy dạy Phật Pháp mà còn tập các em hát, học dấu đi dường, gút … từ đó các GĐPT đã được thành lập Chánh Kiến ở Mỹ Tho, Chánh Tâm ở Cần Thơ, Chánh Trí ở Vĩnh Long, Chánh Đức ở Sa Đéc … (Năm 1959 anh Nguyễn Văn Tá Đội viên Đội Sen Nâu GĐPT Chánh Đạo thành lập GĐPT Chánh Dũng ở Long Xuyên. Năm 1960, chúng tôi thành lập GĐPT Chánh Hạnh ở chùa Viên Quang thuộc Tỉnh hội Phật Học Châu Đốc)

Năm 1952, Hội quán Hội Phật Học Nam Việt dời về Chùa Phước Hòa, số 491/14/5 đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 2, Quận 3, Tp. HCM (sau nhường cho Hội Việt Nam Phật Giáo là nơi Đoàn quán của GĐPT Minh Tâm). Gia Đình Phật Tử Chánh Tâm cũng dời về chùa Phước Hòa, Bác Chánh Trí nhận làm Gia Trưởng, Anh Nguyễn Hữu Huỳnh định đổi tên GĐPT Chánh Tâm ra GĐPT Chánh Trí nhưng Bác Truyền không nhận, Bác đã đặt lại tên là GĐPT CHÁNH TÍN , lễ ra mắt vào ngày Thành Đạo năm Tân Mão (4-1-1952), GĐPT Chánh Tín trước là anh Nguyễn Hữu Huỳnh sau là anh Đặng Sỹ Hỷ làm Liên Đoàn Trưởng.

Để cho được thống nhất GĐPT như ở Trung Việt, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt cũng như Hội Phật Học Nam Việt đều muốn thống nhất thành một tổ chức do Hội Phật Học quản lý. Hồi đó- trước năm 1954, người ta cho rằng Giáo Hội Tăng Già Nam Việt có khuynh hướng thân kháng chiến, còn Hội Phật Học Nam Việt nào là Đốc Phủ Sứ Mai Thọ Truyền, Trưởng Ty Vệ Sinh thành phố Bs Nguyễn Văn Thọ … là những công chức theo Pháp, cho nên chưa có người đủ tin cậy làm trung gian cho cả hai bên.

Thế rồi nhân duyên đã đến, vào đầu năm 1953, anh Tâm Bửu Tống Hồ Cầm, Ban viên Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Việt, Chánh Thư ký Hội Việt Nam Phật Học tỉnh Thừa Thiên, Phó Tổng Thư ký thường trực Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam từ Đà Lạt về Sàigòn qua Phật sự của Tổng Hội, anh được cả Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt yêu cầu đứng ra tổ chức thống nhất GĐPT Nam Việt, trước nhất là việc xáp nhập hai GĐPT Chánh Giác và Chánh Tín thành một, việc nầy được thành tựu nhanh chóng, lễ ra mắt của 2 GĐPT hợp nhất lấy tên là GĐPT CHÁNH ĐẠO, đã được tổ chức vào lễ xuất gia năm Quý Tỵ (Chủ Nhật 22-3-1953), Gia Trưởng Bác Võ Đình Dần, Liên Đoàn Trưởng anh Nguyễn Văn Thục, Cố Vấn anh Tống Hồ Cầm.

III.- GIAI ĐOẠN CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIẺN

Vào khoảng tháng 7 năm 1953, Hội Phật Học Nam Việt đã lập Ban Hướng Dẫn GĐPT Trung Ương thuộc Hội và chỉ định chỉ có 2 Huynh Trưởng: Anh Tâm Bửu Tống Hồ Cầm làm Trưởng Ban, Anh Nguyễn Văn Thục làm Phó Trưởng Ban. Tuy có hai anh, nhưng BHD Nam Việt cũng mở được Trại Huấn Luyện A DỤC II ở Cần Thơ, soạn và ban hành Nội Quy Trình Gia Đình Phật Tử Nam Việt, anh Thục đã đóng góp nhiều công sức nhất trong việc nầy, nhờ có Trại Huấn Luyện A DỤC, nhờ Nội Quy Trình, nhờ TRANG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ trong Tạp chí Từ Quang của HPHNV, đăng những tin tức sinh hoạt các GĐPT là những nhân tố thúc đẩy sự phát triển đơn vị ở các tỉnh khác, khắp miền Nam.

Đại Hội của Gia Đình Phật Hóa Phổ Trung Việt tổ chức vào ngày 24, 25, 26-4-1951, tại chùa Từ Đàm Huế, cũng gọi là Đại Hội GĐPT kỳ I, GĐPHP Nam Việt chưa được biết để mời tham dự.

Đại Hội Gia Đình Phật Hóa Phổ 24, 25, 26-4-1951 tại chùa Từ Đàm, Huế

Đến Đại hội kỳ II cũng tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế vào các ngày 1, 2, 3-1-1953, GĐPT Nam Việt đã có Đại biểu tham dự. Đến Đại hội kỳ III, tổ chức từ 31-7 đến 3-8-1955 tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt, anh Tống Hồ Cầm đã hướng dẫn phái đoàn Huynh Trưởng GĐPT Nam Việt đi phó hội, anh Võ Đình Cường từ Huế viết thư gửi đến Đại Hội: “…. Tôi xin gửi lời chào mừng anh chị em đến dự Đại hội đông đủ. Chỉ không may cho riêng tôi là chẳng được gặp mặt anh chị em như lòng mong ước từ lâu, nhất là Đại hội nầy lại có rất đông anh chị em Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Nam Việt hoan hỷ lên dự, dưới sự hướng dẫn của anh Trưởng Ban Tống Hồ Cầm, một người bạn thân mến của tôi suốt đời nguyện hy sinh cho Phật Giáo …”

Cuối thập niên 1950 hay đầu thập niên 1960, các Huynh Trưởng GĐPT Miền Nam có được xép Cấp một lần từ Cấp Dự Tập (Cấp Tập) cho đến Cấp Dũng. Trong đó có Lệ Tích Trương Văn sang là Phó Trưởng Ban được xếp cấp Tấn và anh Tống Hồ Cầm Trưởng Ban được xếp Cấp Dũng. Danh sách nầy có đăng trong Từ Quang Tạp chí.

Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt có mở những Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng tại Cần Thơ, tại Miền Đông và ngay tại chùa Xá Lợi Sàigòn.

Từ trái: - 1 Nguyễn Văn Thục,… 5 Tống Hồ Cầm chụp với GĐPT Chánh Đẳng, Cần Thơ năm 1954

Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc kỳ IV được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28-12-1961 tại chùa Xá Lợi. Do tình hình đất nước chưa được ổn định nên Thượng Tọa Thích Thiện Hoa được cung thỉnh giữ chức Trưởng Ban, anh Tống Hồ Cầm được bầu vào chức vụ Phó Trưởng Ban ngành Nam, chị Hoàng Thị Kim Cúc Phó Trưởng Ban ngành Nữ, anh Trần Quang Thuận Chánh Thư Ký, anh Cao Chánh Hựu Phó Thư Ký, Bác Nguyễn Đức Lợi Thủ quỹ và một số các Huynh Trưởng Ủy viên.

Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc kỳ V, tổ chức vào các ngày 28, 29, 30-6-1964 tại Trường Nữ Trung Học Gia Long Sàigòn. Đại Hội nầy thực sự thống nhất Gia Đình Phật Tử, ban hành Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng. Cũng chia theo tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất gồm có 8 miền:

1.   Miền Vạn Hạnh: Bắc duyên hải Trung phần từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, trụ sở ở Huế
2.   Miền Liễu Quán: Nam duyên hải Trung Phần từ Bình Định đến Bình Thuận, trụ sở ở Quy Nhơn
3.   Miền Khuông Việt: Cao nguyên Trung phần từ Kontum đến Quảng Đức, trụ sở ở Ban Mê Thuột
4.   Miền Khánh Hòa: Miền Đông Nam Phần từ Bình Tuy lên Phước LongTây Ninh xuống đến Gia Định,
5.   Miền Huệ Quang: Miền Tây Nam phần Tiền Giang,
6.   Miền Khánh Anh: Miền Tây Nam phần Hậu Giang,
7.   Miền Quảng Đức: Thủ đô Sài gòn, trực thuộc Viện Hóa Đạo,
8.   Miền Vĩnh Nghiêm: Phật tử Miền Bắc di cư.

Như thế Gia Đình Phật Tử Nam Việt được chia thành 4 miền: Khánh Hòa, Quảng Đức, Huệ Quang, Khánh Anh. Đã làm xong việc phát triển GĐPT ở Miền Nam. Mảnh đất trù phú, nhưng cũng có rất nhiều Đạo khác bên cạnh Đạo Phật truyền thống của Dân tộc.

Người lập Gia Đình Phật Tử đầu tiên ở miền Nam, cũng như phát triển các GĐPT miền Nam ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc đó là công đầu của Huynh Trưởng Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục, sau đó mới đến anh Tâm Bửu Tống Hồ Cầm, nhưng đừng quên anh Nhật Minh Nguyễn Hữu Huỳnh đã thành lập GĐPT Chánh Tâm trước khi dời về chùa Phước Hòa sinh hoạt, cải danh là GĐPT Chánh Tín do anh Đặng Sỹ Hỷ làm Liên Đoàn Trưởng.


8664161019











1 nhận xét:

  1. Chân thành cám ơn Trưởng Phúc Trung Huỳnh Ái Tông đã dày công thu tập và ghi chép lại Lịch Sử của GĐPT Việt Nam.
    Tháng 12 năm 1961, Tuệ Hạo, trực thuộc GĐPT Giác Minh và Minh Tâm, Miền Vĩnh Nghiêm cũng được tham dự Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc kỳ 4 với các Trưởng Phúc Trung Huỳnh Ái Tông, Tuệ Linh Nguyễn Công Sản, Tuệ Tâm Trần Thị Kim Tâm, Kim Dung, Thanh Minh ..v..v..!
    Đại Hội mang tên Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng A Dục tổ chức tại chùa Xá Lợi từ ngày 26-27 và 28 tháng 12 năm 1961 sau đó đi du ngoạn và kết thúc tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt.

    Sau một thời gian định cư tại Sydney, Úc Đại Lơi một cơ duyên đã được gặp lại Hynh Trưởng Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục, anh là một người Huynh Trưởng mẫu mực, suốt một đời tận tuỵ hy sinh cho tổ chức GĐPT Việt Nam từ trong nước cũng như hải ngoại. Tuệ Hạo may mắn được gần gũi và nhờ anh cùng anh em thành lập một Chi Ái Hữu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại Úc Châu, do anh Minh Tánh Nguyễn Bá Lãng (con trai cụ Nguyễn Bá Lăng, người kĩ sư tài năng đã xây dựng lên chùa Vĩnh Nghiêm ở Saigon) làm Trưởng Chi. TH được gần gũi và sinh hoạt với anh Tâm Lạc trong GĐPT Sydney một thời gian lâu đến khi anh qua đời do bệnh ung thư phổi, anh là người nghiêm nghị rất ít cười trong thời gian trọng bệnh, tấm hình trên do Tuệ Hạo căn anh một lúc vui để chụp lại.
    Hiện tro cốt của anh Tâm Lạc để thờ tại Chùa Pháp Bảo, Sydney tiểu bang NSW.
    Chị Tâm Lạc hiện nay đang định cư tại Toronto, Canada sống an vui cùng con trai, con gái và các cháu. Trước khi định cư, chị đã gửi tất cả những tài liệu về GĐPT mà anh Tâm Lạc đã cố công gìn giữ trong thời gian ở hải ngoại cho hệ thống GĐPT ở đây cất giữ..!

    Một kỉ niệm khó quên trong đời của một đoàn viên trong hệ thống GĐPT Việt Nam và hải ngoại.
    Bút ghi,
    Tuệ Hạo Trần Hữu Định
    Sydney, ngày 25 tháng 10 năm 2019

    Trả lờiXóa