Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Tính sổ cuối năm


Để tặng Trưởng Tâm Trí Nguyễn Quang Vui
đã dẫn dắt, đào tạo, giúp đỡ tôi trở thành người Huynh Trưởng.
Phúc Trung
Tôi có được Email của Mỹ kêu gọi viết bài để dăng Bản Tin vài dịp Tết Ất Dậu, rồi lại được Email của chị Tâm báo tin buồn chị Nguyễn Thị Dương đã giã từ chúng ta vào dịp cuối năm này.
Do vậy, tôi muốn viết một bài đặt tựa là "Tính sổ cuối năm", bởi vì người làm thương mại, đi buôn, vào dịp cuối năm ngồi lại tính sổ xem lại doanh nghiệp của mình lời hay lỗ. Chúng ta Gia Đình Phật Tử, một đơn vị chuyên về Giáo dục tại sao lại không thể tính sổ nhất là sau một thời gian dài 3, 4 thập kỷ. Tôi muốn nói đến Trường Đào Tạo Huynh Trưởng A Dật Da, do Trưởng Nguyễn Quang Vui thành lập năm 1961, chị Hồng Loan và tôi là hai người tham dự Ban Quản Trị của Trường từ khi mới thành lập cho đến ngày cuối cùng tự giải thể năm 1964. Qua ba khóa huấn luyện, gồm 129 học viên tham dự, đào tạo được 46 Huynh Trưởng.

Ngày khai giảng khóa I, Đoàn Trưởng Nguyễn Quang Vui nhận cờ Trường

Trong đó có Trưởng Tịnh Uyển Nguyễn Thị Oanh, ngày nay là một chị Trưởng đứng đầu trong các Trưởng ngành Nữ của Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm, người chị hơi gầy nên anh chị em đặt cho chị biệt danh là Oanh Gầy để phân biệt với Oanh Mập, chị Trưởng của Gia Đình Giác Hoa.

Từ trái sang phải: Đỗ Kim Oanh (Oanh mập), chị Du, Bác Liệu, Tịnh Uyển (Oanh ốm), Tịnh Phúc

Người kế chúng tôi muốn nói đến là chị Diệu Thu Nguyễn Thị Tâm, sau khi Trúng cách khóa 2, chị Tâm đã được Ban Quản Trị đề cử vào chức vụ Liên Toán Trưởng Nữ của Trường Đào Tạo A Dật Đa, chị đã cùng Trưởng Phúc Ân Nguyễn Huy Nghiễn Liên Toán Trưởng Nam rất vất vả trong Khóa Đặc Biệt, năm 1964, nay chị là Phó Trưởng Ban Tương Tế, Ban Chấp Hành Ái Hữu Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại.

Từ trái sang phải: Chị Diệu Thu Nguyễn Thị Tâm, chị Diệu Thanh Trần Thị Thanh Minh

Bên Nam, nổi bật nhất là Trưởng Thiện Linh Đặng Văn Nữu, hiện nay, sau Bác Nhuận Pháp chắc phải là Trưởng Đặng Văn Nữu là Trưởng Gia Đình Phật Tử Giác Long, vốn là Gia Đình Phật Tử do Trưởng Trần Ngọc Lạc và Khưu Phụng Chương thành lập. Trưởng Nữu tuy còn trẻ nhưng tóc đã bạc trắng, Trưởng có xe đò chạy đường Sàigòn - Đơn Dương, trong giới lái xe đặt cho Trưởng biệt danh là "Năm Đầu Bạc”, có lần Trưởng giải thích về tóc bạc của mình như sau : hồi đó Trưởng ở binh chủng Không Quân, máy bay rớt, người bị cháy, phỏng cả mặt, được Mỹ chở vào bệnh viện Dã Chiến điều trị, chắc là họ đã tiếp máu của Mỹ Trắng. Nên sau này, tóc của Trưởng trở nên trắng chớ không phải tóc bạc. Nhờ Trưởng có xe đò, nên nhiều khi dùng xe của Trưởng đi sinh hoạt, chỉ phải trả tiền xăng nhớt mà thôi, vợ Trưởng Nữu là Diệu Nhân La Dĩ Hồng cũng xuất thân từ Trường A Dật Đa.

Từ trái sang Phải: Thiện Linh Đặng Văn Nữu, Tuệ Trí, Cao Bá Hưng, Tịnh Uyển, chị X, Phúc Trung

Kể đến Trưởng Nữu, không thể không nhắc đến những Trưởng ở Gia Đình Phật Tử Giác Long đã xuất thân nghề Trưởng từ Trường A Dật Đa, trước hết là Trưởng Đỗ Ngọc Đắc, Trưởng Đắc từng làm Liên Đoàn Trưởng GĐPT Giác Long, sau 1975, nghe nói Trưởng đã cùng gia đình đi Vùng Kinh Tế Mới ở Long Khánh. Sau đó đã xuất gia.

Từ trái qua phải: người đứng thứ 5 Đỗ Ngọc Đắc

Trưởng Trần Văn Hải và vợ là Trưởng Ngân cùng xuất thân từ Trường A Dật Đa, nay là chủ hiệu Kim Hoàn ở đường Đỗ Thành Nhân Khánh Hội, vẫn sinh hoạt ở GĐPT Giác Long.

Từ trái sang phải: Chị X, Ngân, Hải ….

Còn một Trưởng nữa, tôi phải nhắc đến đó là Trưởng Roãn Thái Quyết, khi theo dự khóa A Dật Đa, Trưởng sinh sống bằng nghề sửa chữa đồng hồ ở đường Nguyễn Cảnh Chân, năm 1969 vào quân đội, tôi làm Trung Đội Trưởng Trung Đội Sửa Chữa của Đại Đội 21 Quân Cụ, Tôi đến nhận đơn vị tại Thị xã Cà Mau, tôi đã gặp lại Trưởng Roãn Thái Quyết khi ấy là Trưởng Phòng hành Chánh Ty Cảnh Sát Thị xã Cà Mau, tôi ớn nhất mỗi lần đi thăm Quyết, Quyết và gia đình ở trong Ty, muốn vào nhà Quyết phải đi vào Ty Cảnh Sát rồi đi qua một dãi nhà nhốt tù, tôi không khỏi động tâm thương xót cho cảnh tù đày của họ, Nay Roãn Thái Quyết không còn đi sinh hoạt, anh là chủ một hiệu bán đồng hồ gần nhà hàng Văn Cảnh.

Một Trưởng nữa của Giác Long, tốt nghiệp A Dật Đa đã sớm hy sinh cho tổ quốc tại chiến trường Campuchea vào khoảng năm 1965, đó là Trưởng Sâm.

Giác Minh thì có Trưởng Diệu Khánh Nguyễn Thị Dương, tốt nghiệp khóa 1 A Dật Đa, chị Dương tánh tình hiền hậu, chị đã sinh hoạt lâu năm ở Giác Minh, từ chùa Giác Minh sau này sang Lâm Tế. Năm 1990 đi dự Hiệp Kỵ toàn quốc tổ chức tại chùa Linh Sơn Đà Lạt, phái đoàn đi nguyên một chuyến xe của "Năm Đầu Bạc”, do tính nhầm phái đoàn Vĩnh Nghiêm đến nơi sớm mấy ngày, không thể chờ đợi lâu, nên phái đoàn về sớm, để lại có tôi và chị Dương, chia tay nhau tại thác Gougard phái đoàn về Sàigòn, chị Dương và tôi lên xe đò trở lại thành phố Đà lạt, đêm đó tôi vào nhà anh Toàn ăn cơm tối và ngủ lại đêm với anh, hôm sau thì có thêm các anh chị ở Sàigòn, Gia Định lên và các tỉnh về, buổi tối hôm ấy chị Dương và tôi thả bộ ra Hồ Xuân Hương, ngắm cảnh hồ về đêm, nhìn sang nhà thủy tạ gợi cho tôi nhớ tới hai mươi lăm năm trước, Trưởng Nguyễn Khắc Từ, Tuệ Linh và tôi đã ngồi đó, uống nước ngắm trăng. 

Hôm sau 19 tháng 6 Canh Ngọ (9-8-1990), ngày vía đức Quán Thế Âm, Gia Đình Phật Tử toàn quốc đã tổ chức lễ Hiệp Kỵ GĐPT Việt Nam tại chùa Linh Sơn, sau lễ có cúng Trai Tăng, và cuối cùng là một bửa cơm thân mật sau 15 năm gian khổ, xa cách. Chiều hôm đó, chúng tôi ra giã từ Đà Lạt, đi trong chuyến xe đò lỡ có một Liên Đoàn Trưởng của một GĐPT ở Gia Định, anh Hải Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Giác Hạnh, Gia Đình mà một thời kịch sĩ Thanh Hoài làm Gia trưởng, phu nhân của Hải, cũng là một chị Trưởng, chị Dương , cô con gái chị Dương và tôi. Đó là kỷ niệm chị Dương với tôi những ngày ở Đà Lạt.

Từ trái sang: người thứ 5 là Nguyễn Khắc Từ, con gái chị Dương, chị Nguyễn Thị Dương

Giác Minh còn có Huỳnh Hữu Tâm có biệt danh là "Tâm Đen” để phân biệt với Phạm Minh Tâm là “Tâm Trắng”, năm nay, Tâm Trắng nhờ tôi chuyển đến Tâm Đen một chút quà cho Tết Ất Dậu, ngoài ra còn có Phan Thái Hà, Mai Viết Đa, Đào Hiếu Thảo đều xuất thân từ A Dật Đa.

Từ trái sang phải: Đặng Đình Khiết, Phùng Thị Thọ, Đào Hiếu Thảo

Còn một Tâm nữa thường đi chung với Lê Viết Tân, cả hai cũng đều xuất thân từ A Dật Đa và đều sinh hoạt ở Giác Hoa, Tâm sau này có nhà ở khu Tân Bình cũng là chủ xưởng dệt, vợ cũng là chị Trưởng sinh hoạt ở Giác Hoa, còn Lê Viết Tân độc thân, sau anh xuất gia theo phái Khất sĩ, một lần chị Cúc nói với tôi về chuyện tình cảm của Tân.

Hồ Xuân Tâm và tôi

Ở Giác Đạt, ngoài Đức Châu Vũ Ngọc Khuê còn có các Trưởng Vũ Hữu Phùng, Bồ Thị Kim Lang, Kim Cúc, Tỏ. Khi đi "Học Tập Cải Tạo" trong rừng Cà Tum, Khuê và tôi có lần gặp nhau, trong một buổi vui Xuân, sau này trở về đi làm, cả hai làm việc gần khu "Nhà Hát Lớn", nên thỉnh thoảng trong giờ làm việc tôi bỏ đi phố vẫn gặp Khuê luôn.


Ở Gia Đình Phật Tử Giác Quang, có Sơn và Lê Đình Cần, Cần là bạn học cùng lớp với tôi, sau này là đồng nghiệp giáo chức, khi đi “Học Tập Cải Tạo", cũng trong rừng Cà Tum đó, Cần và tôi ở chung một Khối, khác "B", lúc mới lên rừng, cả hai chúng tôi cuốc đất trồng đậu phộng riêng, đào lỗ gieo hạt rồi vài hôm sau ra thăm mới biết mình dại, những hạt đậu phộng là món ăn của các chú Chuột, Sóc, đâu có để cho nó lên cây. Sau khi về tôi đi làm Công nhân viên, còn Cần làm Chủ Nhiệm Hợp Tác Xã ở bên Khánh Hội.

Lê Đình Cần và tôi

Gia Đình Giác Trí, ngoài chị Oanh ra còn có chị Nghiệp, Nguyễn Sĩ Khảng, sau chị Hồng Loan, trước chị Oanh, Khảng là Liên Đoàn Trưởng GĐPT Giác Trí.

Không lẽ, tôi không nhắc đến Chị Nhiễu, Khoá Đặc Biệt, là phu nhân của Trưởng Nghi Yên hay là Phúc Ân Nguyễn Huy Nghiễn.

Đôi vợ chồng già hạnh phúc: Nhiễu và Nghiễn

Còn Trưởng Hiền, Khóa 1, hình như sinh hoạt ở Giác Hoa, sau về Huế. Năm 1964, Phái Đoàn Huynh Trưởng Thủ Đô ra Huế, tôi có gặp Hiền nhà ở gần Chợ Đông Ba. Chị Ngân, Hiền và tôi có chụp một tấm ảnh lúc Hiền hướng dẫn đi viếng chùa Diệu Đế.

Một Trưởng nữa là Ong Hồng Phi, Khóa 1, tôi không nhớ sinh hoạt ở Gia Đình nào, nhà của Phi là một tiệm bán Giày ở đường Lê Thánh Tôn, xế cửa rạp L
ê Lợi.

Tôi nghĩ đã viết xong bài, bỗng nhiên nhớ đến một chuyện phải viết thêm. Khóa 1 A Dật Đa có hai khoá sinh tên Mai, bây giờ tôi không nhớ họ của hai khóa sinh ấy, nhưng có một cô da trắng, mặt tròn trông phúc hậu các cô đặt cho biệt danh là Mai trắng để phân biệt với cô Mai khác, người dong dỏng cao, da bánh mật, có nét sắc sảo là Mai đen. Có lẽ Mai trắng nghỉ nửa chừng, còn Mai đen tham dự đến cuối khóa, Nhưng cả hai, tôi đều không gặp lại sau thời gian Pháp nạn 1963.

Đến khoảng năm 1970, hay sau đó vài năm, tại nhà chị Đoàn Thị Kim Cúc ở sau Tổng Vụ Thanh Niên, một hôm tôi tới thăm chị và các em Phú, Quỳ, Trâm, Phượng, Phước. Nhưng hôm ấy các em đi học hay đi chơi cả, chị Cúc nói với tôi:

"- Tông à ! Hồi đó Mai ở A Dật Đa đi làm việc ở Cần Thơ về ghé thăm chi, Mai có đưa cho chị một số tiền và nói rằng em còn đi học, lại đi sinh hoạt nhiều khi tốn kém, Mai có chút tiền dư không cần dùng, nhờ chị đưa cho em, để khi cần cho sinh hoạt, em có mà chi dụng. Chị giữ tiền ấy một thời gian mấy tháng, sau đó Mai về ghé thăm, chị trao lại tiền ấy cho Mai và nói là em gửi lời cám ơn Mai, nhưng em có đủ tiền xài rồi, không cần thêm nữa."

Tôi chỉ ngồi nghe chị Cúc nói, không hỏi lời nào vì tôi bị xúc động, nếu tôi hỏi chắc chị đã có sẵn câu trả lời, bởi vì chị đã im lặng giữ kín đến khoảng 10 năm sau chị mới nói cho tôi nghe, chắc không phải chị quên, chị cố ý đó. Nay tôi muốn hỏi chị Mai trắng hay Mai đen, nhưng mà chị đã giữ kín nó đến thiên thu rồi. Tôi tự an ủi mình Mai nào cũng là Mai của A Dật Đa, có một nghĩa cử, một tấm lòng với Trưởng của mình.

Từ trái: Trúc Hải, Mai Viết Đa, Ong Hồng Phi, Hiền, Hà (đứng sau), Sâm, Cần, Sơn.
Hàng ngồi: chị Oanh, chị Dương, chị X, Mai đen (Ảnh chụp năm 1961 hay 1962)

Tôi cố gắng nhớ thêm, nhưng không làm sao nhớ hết những Khóa sinh đã đi qua A Dật Đa, xưa kia tóc còn xanh, nay tóc đã phai màu, kẻ còn, người mất. Điều đáng quý như chị Dương, tuổi đã cao, thêm bệnh tim mãn tính vậy mà vẫn tinh tấn tu học, thọ Bát Quan Trai, theo dự lớp Phật Học Cơ Bản ở Đạo tràng Khuông Việt, để cho một ngày về đất Phật. Nay chắc chị đã về đến.

Xuân sắp về luôn luôn gợi cho người ta nhớ đến bài "Cáo Tật Thị Chúng" của Thiền sư Mãn Giác:

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa tận lạc,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Ngô tất Tố dịch :

Xuân ruổi trăm hoa rụng,
Xuân tới trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi.
Trên đầu, già đến rồi.
Ðừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Ðêm qua, sân trước, một càng mai.

Hoặc người ta nhớ đến bài “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
………………………….
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Nhân dịp xuân về, cho tôi gửi đến tất cả anh chị khóa sinh A Dật Đa năm xưa: Chúc năm mới luôn luôn tinh tấn và an lạc.

28-01-2005
Ngày 4-10-2019





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét