Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

Duyên nợ tình Lam


Vài tháng trước, tôi có viết một tập sách mỏng về văn chương Hò Miền Nam, trong dó tôi thích câu hò:

Bí lên ba lá
Trách ba với má
Không ngắt ngọn làm giàn
Để bí mọc tràn lan
Vô doan bạc phận
Duyên nợ ở gần không đặng xứng đôi

Vô tình lên Mạng thấy có bài Tiến trình hình thành và phát triển Gia Đình Phật T Việt Nam của Thích Quảng Trí đăng trên trang mạng của Gia Đình Phật Tử  Kiên Giang (https://gdptkiengiang.vn). Bài viết nầy là luận án tốt nghiệp của Thầy, nội dung viết rất khoa học và giá trị. Tiếc rằng những chi tiết Thầy viết lấy từ các nguồn, nhưng nguồn không chính xác ví dụ trong bài kỳ 15 như sau:

“II-GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN (1951 – 1974)

Năm 1953: Đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ II tại Huế

Đại hội Huynh trưởng GĐPT lần thứ hai được triệu tập với đầy đủ các đại diện của 3 miền Nam, Trung, Bắc, gồm 63 đại biểu, họp tại chùa Từ Đàm-Huế trong ba ngày 01, 02 và 03 tháng 01 năm 1953.
Thành phần tham dự:
- GĐPT Bắc Việt có 7 đại biểu, gồm 3 Gia đình : Liên Hoa (Hà Nội), Liên Hoa (Hải Phòng) và Minh Tâm (chùa Quán Sứ-Hà Nội).
- GĐPT Trung Việt có 55 đại biểu
- GĐPT Nam Việt chỉ có anh Nguyễn Văn Thục về tham dự vơi tư cách đại biểu chính thức GĐPT Nam Việt. Mặc dù lúc bấy giờ Nam Việt chưa có Ban Hướng dẫn GĐPT, anh Nguyễn Văn Thục đã đi với sự đồng ý của hai hội: Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt do sự tiến cử của anh Tống Hồ Cầm.

Tại miền Nam, năm 1953, anh Tống Hồ Cầm cùng gia đình từ Huế di chuyển vào Nam. Nhờ uy tin sẵn có tại Trung phần, anh được thầy Quảng Minh, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền –Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt- mời tham gia Hội và thành lập GĐPT Nam Việt. Gia Đình Phật Tử đầu tiên thuộc hệ thống của Hội Phật Học Nam Việt do cư sĩ Tống Hồ Cầm tổ chức được lấy tên là GĐPT Chánh Tín. Bác Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Gia trưởng, anh Nguyễn Hữu Huỳnh làm Liên đoàn trưởng.”
Trong đoạn văn trên, chúng ta thấy Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT kỳ II, tổ chức tại chù Từ Đàm từ các ngày 1, 2, 3 tháng Giêng năm 1953, trong khi anh Tống Hồ Cầm năm 1953 anh mới vào Sàigòn sinh sống thì làm sao anh có thì giờ giới thiệu anh Thục đi dự Đại Hội. Hơn nữa Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt lúc đó vẫn còn nghi kỵ nhau vì một đàng thân kháng chiến (GHTGNV), một đàng thiên chánh phủ quốc gia (HPHNV). Anh Tống Hồ Cầm không có thành lập GĐPT nào tại Sàigòn cả. GĐPT Chánh Tín do anh Nguyễn Hữu Huỳnh cải danh từ GĐPT Chánh Tâm lúc dời Đoàn quán từ nhà Bác sĩ Thọ, 31 Nguyễn Thông về chùa Phước Hòa, và khi đó anh Đặng Sỹ Hỷ làm Liên Đoàn Trưởng GĐPT Chánh Tín, sáp nhập với GĐPT Chánh Giác do anh Nguyẽn Văn Thục làm Liên Đoàn Trưởng, thành ra GĐPT Chánh Đạo do anh Nguyễn Văn Thục làm Liên Đoàn Trưởng, sinh hoạt tại chùa Phước Hòa.
Bài viết kỳ 16, có đoạn viết:
“Thầy Chánh Tiến (Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam) có quy tụ một số thanh, thiếu, đồng niên tại chùa Kim Cương đường Trần Quang Diệu, Sài Gòn. Anh Nguyễn Văn Thục được mời giữ chức vụ liên đoàn trưởng. Đây là GĐPT Bắc Việt tại miền Nam đầu tiên được thành lập lấy tên GĐPT Giác Minh đặt tại chùa Kim Cương, sau dời về chùa Giác Minh đường Phan Thanh Giản. Gia đình này là nền tảng cho GĐPT Bắc Việt tại miền Nam, hình thành nên GĐPT miền Vĩnh Nghiêm về sau.”
Xin mời đọc bài: Chuyện xưa về GĐPT tại:
Bài viết kỳ 17 như sau:
“* Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ IV tại chùa Xá Lợi:

Thượng Tọa Thích Thiện Minh và Thượng Tọa Thích Thiện Hoa tổ chức và triệu tập đại hội Huynh trưởng toàn quốc tại chùa Xá Lợi-Sài Gòn từ ngày 26 đến ngày 28/12/1961.
Thành phần tham dự:

GĐPT Trung phần có 14 Huynh trưởng
GĐPT Nam Việt có 9 Huynh trưởng
GĐPT Bắc Việt tại miền Nam có 5 Huynh trưởng
GĐPT thuộc Giáo Hội Tăng Già miền Nam có 5 Huynh trưởng
Cùng 28 tỉnh, thành tham dự
Đặc biệt đại hội này có 3 đại biểu GĐPT Nam tông tham dự
Dựa theo báo cáo các tỉnh, GĐPT hiện có : trên 1.000 đơn vị Gia đình, 3.000 huynh trưởng và 60.000 đoàn sinh.
Đại hội kỳ này đã bầu được Ban Hướng Dẫn Trung Ương toàn quốc, cung thỉnh Thượng Tọa Thích Thiện Hoa làm Trưởng BHD Trung ương, bầu anh Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, chị Hoàng Thị Kim Cúc vào chức vụ Phó ban. Đại hội suy cử Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm Huynh trưởng danh dự GĐPTVN.”
Trong phần nầy ghi có 3 đại biểu GĐPT Nam tông tham dư tôi khẳng định hoàn toàn không có, sai sót nầy do tác giả căn cứ theo quyển Gia Đình Phật Tử Việt Nam 50 năm xây dựng trang 87, không rõ ai đã thêm vào: Gia Đình Phật Tử Nam Tông: 3 H.Tr.


Hàng trước từ trái: Chị Hồng Loan, tôi, đại biểu Ninh Thuận
Hàng ngồi sau: Trần Hữu Định, nhạc sĩ Đỗ Thu, Lê Chiêu Thùy


Đại hội nầy đáng lẽ ra anh Võ Đình Cường được bầu làm Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương, nhưng vì thời cuộc không thể đưa anh ra “đứng mũi chịu sào”. Do vây mới cung thỉnh Thượng Tọa Thích Thiện Hoa, việc nầy được bàn tính trước đó trong nhiều phiên họp, gồm có Thượng Tọa Thiện Minh, Thiện Hoa, Tống Hồ Cầm, Trần Quang Thuận… trong Đoàn quán GĐPT Chánh Đạo tại chùa Xá Lợi, vào tháng 12 năm 1961, trước khi mở Đại Hội. Vì vậy, anh Võ Đình Cường không có bất kỳ chức vụ chi trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN được bầu năm 1961.
Anh Nguyễn Văn Thục nghĩ rằng anh là Ủy viên Nội Vụ, Điều Hành nên anh nhớ hết mọi chuyện, cho nên trong thư anh viết cho tôi ngày 28-3-1995 trang 10, anh viết:
**** Anh Huỳnh chỉ hoạt động GĐPT từng giai đoạn ngắn mà thôi, trong thư của Ái Tông có viết một câu, mà anh nghĩ lại cũng cần phải nói rõ, nếu không sẽ nhầm lẫn lớn và gián tiếp làm mất uy tín của bao nhiêu HT khác trong thời kỳ 1963 …. “Năm 1963 chỉ có một mình Nguyễn Hữu Huỳnh dám mặc đồng phục, điều động các GĐPT Sàigòn, Gia Định hoạt động tại Xá Lợi dưới sự chỉ đạo của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Sau 20-8-1963 anh Huỳnh vào tù vài ba lần, anh có cấp gì đâu nào !....” Ái Tông đã nghe ai nói vậy ? Thật là một sự sai lầm lớn, nếu Ái Tông nghe và tin, cho đó là đúng sự thật. Và nếu Ái Tông nói lại cho các anh chị em khác, nhiều người rất buồn, nhưng không cải chính làm gì, và … chỉ tội nghiệp cho Ái Tông, - đã lầm tưởng hay ngộ nhận, đó là những chuyện thật.
Ái Tông cứ bình tỉnh đọc lại và nghiệm lại xem, sự kiện có thể như thế được không (?).
1.- Thử hỏi Anh Huỳnh lúc bấy giờ đang giữ chức vụ gì trong BHDTƯ ? (hay lúc bấy giờ anh không còn hoạt động trong GĐPT (?). Anh Lương Hoàng Chuẩn lúc bấy giờ là Phó Trưởng Ban BHDTƯ. Đồng thời là Trưởng ban BHD Miền Quảng Đức (Saigon-Cholon), còn anh Nguyễn Quang Tú là Trưởng Ban BHD Gia Định (Còn tất cả anh chị em trong BHD TƯ đều có mặt tại Saigon. Như vậy anh Huỳnh lấy tư cách gì để điều động các GĐ Saigon, Cholon, không lẽ Ái Tông không biết quyền điều động GĐ là của các Huynh Trưởng đang giữ chức vụ, chứ không thể bất cứ ai cũng điều động được sao (?) không lẽ bao nhiêu HT lúc bấy giờ đã trốn hết rồi hay sao ? Như thế còn gì là tổ chức GĐPT ?
Tại sao Ái Tông không đặt câu hỏi: Với một HT có công với Đạo Pháp như thế, với GĐPT như thế, mà trong kỳ Đại Hội Toàn Quốc năm 1964 tại trường Gia Long, Ban Tổ Chức chỉ mời Anh Huỳnh với tư cách là “Cựu Huynh Trưởng” ? GĐPT chúng ta có bao giờ bạc đãi anh chị em HT như thế không ? Như thế thì tại vì sao ? Phải có lý do chứ ?
Anh Huỳnh nói anh ấy đã bị 3 lần ở tù dưới chế độ kỳ thị tôn giáo ? Anh ấy có nói rõ lý do gì không ? Khi đó Anh ấy đang giũ chức vụ gì trong Giáo Hội, trong Đoàn thể ? Anh không muốn nói ra sự thật, vì chẳng có lợi gì. Nhưng anh chỉ mong rằng Ái Tông, đừng cho những lời nói ấy là sự thật, thế thôi. Chuyện thuộc cá nhân người khác, chúng ta không nên nói đến, chỉ cần bảo vệ uy danh của Tổ Chức thì mới phải nói mà thôi.
Đến đây thì thư đã quá dài ……”




Anh Nguyễn Văn Thục là người trong cuộc, do anh không có liên quan, nên anh không thể nhớ các chi tiết quan trọng, anh nhầm việc nọ sang việc kia. Tôi muốn đưa ra thư anh Thục để dẫn chứng rằng không nên chủ quan.
Tôi đã viết thư cho anh Thục và anh đã dẫn chứng trong thư của anh gửi cho tôi: … “Năm 1963 chỉ có một mình Nguyễn Hưũu Huỳnh dám mặc đồng phục điều động các Huynh Trưởng GĐPT Saigon, Gia Định hoạt động tại Xá Lợi dưới sự chỉ đạo của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Sau 20-8-1963 anh Huỳnh vào tù vài ba lần, anh có cấp gì đâu nào !..”

Chắc anh Thục nhớ Đại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc kỳ IV vào các ngày 26, 27, 28-12-1961, anh Võ Đình Cường, anh Huỳnh và anh Thục được mời tới dự với tư cách là Cựu Huynh Trưởng, các anh ngồi hàng ghế đối diện với Chủ tọa Đoàn, lần đó, Đại hội cung thỉnh Thượng Tọa Thích Thiện Hoa làm Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương, anh Trần Quang Thuận được bầu làm Tổng Thư Ký. Cả anh Cường, anh Huỳnh và anh Thục không được mời giữ chức vụ chi cả.
Ảnh nầy các Htr. Đại biểu Đại Hội năm 1961, đi ăn ở chùa Dược Sư, có anh Cường dự
Năm 1960, trước Đại Hội nầy, anh Phan Cảnh Tuân và anh Nguyễn Hữu Huỳnh thành lập đoàn Huynh Trưởng A DỤC tại Thủ Đô Sàigòn, rồi Thầy Thiện Châu xuất dương du học, anh Phan Cảnh Tuân bị thuyên chuyển theo Sư Đoàn 7 đóng ở Mỹ Tho, anh phải theo đơn vị, Đoàn A DỤC tự ngưng sinh hoạt. Đến Pháp nạn 1963, cần có lực lượng GĐPT nên Ủy Ban Liên Phái đặt ra Ban Chỉ Đạo GĐPT, giao cho anh Huỳnh làm Trưởng Ban để điều động các GĐPT ngay tại Thủ Đô. Lúc đó chưa có GHPGVNTN thì làm gì có BHDTƯ, làm gì có anh Lương Hoàng Chuẩn là Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Quảng Đức.
Lúc đó chắc anh Nguyễn Khắc Từ, anh Lương Hoàng Chuẩn chưa có mặt ở Sàigòn, nhưng nhiều Huynh Trưởng khác đang ở Sàigòn, họ không tham gia đến Xá Lợi nghe Thầy Giác Đức, Hộ Giác thuyết pháp, không tham gia biểu tình, tuyệt thực, hãy thông cảm họ vì chén cơm của gia đình, vì công ăn việc làm, vì sự an nguy cá nhân họ không tham gia, nên họ không biết những chuyện quan trọng đã xãy ra thời kỳ đó ở chùa Xá Lợi, ở chùa Giác Minh bị phong tỏa, bị dùi cui bị bắt vào Tổng nha Cảnh Sát.
Đây kẽm gai trên đường Phan Thanh Giản, Sàigòn, ngăn Phật tử đến chùa Giác Minh, Xá Lợi.
Cảnh Sát Dã Chiến và Cảnh Sát hốt người biểu tình lên xe đưa về Tổng Nha
Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT Toàn Quốc kỳ V tại Trường Nữ Trung Học Gia Long vào các ngày 28, 29, 30-6-1964, anh Huỳnh được mời tới với tư cách Cựu Huynh Trưởng, sau diễn văn khai mạc, anh phát biểu đầu tiên định nghĩa Tân và Cựu Huynh Trưởng rồi anh đứng lên, xô ghế ra về. Tôi chỉ nghe Trưởng Tuệ Linh kể lại chi tiết nầy, còn tôi cũng là Đại biểu nhưng bận công tác Ủy viên Trật tự và Vệ sinh trong Ban Tổ Chức Đại Hội, nên không biết giây phút đó buồn vui thế nào ?!
Chúng tôi viết bài nầy, đưa ra những sai lầm do người viết không cẩn thận đối chiếu chi tiết của sự kiện. Chúng ta chớ nên quá tin vào những Huynh Trưởng kỳ cựu, quyển Gia Đình Phật Tử Việt Nam 50 năm xây dựng cũng có những chi tiết sai lầm, không tránh khỏi. Ví dụ như trang 42 viết về 

Gia Đình Phật Tử Việt Nam
Hội Nghị Huynh Trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ (tức Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Kỳ Thứ I)
Diễn tiến Hội Nghị:
Vào các ngày 24, 25 và 26 tháng 4 năm 1951 tại chùa Từ Đàm, Huế, một Đại Hội Huynh Trưởng GĐPHP đầu tiên được triệu tập với sự tham dự của tám tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Di Linh, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng), các đại diện chính thức của GĐPHP miền Bắc và miền Nam.
Thành phần đại biểu tham dự:
Miền Bắc: Anh Lê Văn Lãm, chị Tuệ Mai, chị Ni, chị Diệu Minh, chị Tý, chị Tuệ Ngọc.
Miền Nam: Anh Nguyễn Hữu Huỳnh, anh Nguyễn Văn Thục.
Có nhng sai lầm dẫn chứng sau đây:
Sai lầm thứ nhất: 9 tỉnh miền Trung, không phải tám tỉnh miền Trung
Sai lầm thứ hai: Miền Bắc chỉ có 3 anh tham dự với tư cách Dự thính: Tâm Thiết Trần Thái Hồ tự Lê Vinh, Chân Quang Trần Thanh Hiệp, Thông Phương Đặng Văn Khuê.
Còn danh sách các Đại biểu trên tham dự Đại Hội kỳ II, trong đó chị Ni có tên là Nguyễn Thị Ni, sinh năm 1920 tại tỉnh Hà Đông, nay thuộc thủ đô Hà Nội. Thân phụ là một công chức người Pháp, cụ ông Etienne Catallan. Thân mẫu là một y sĩ người Việt, cụ bà Nguyễn Thị Đắc. Chị Ni có tên tiếng Pháp là Eugénie Catallan. Đã quy y với Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, có Pháp danh là Hải Triều Âm. Sau đó được gửi vào nhập chúng tại chùa Dược Sư Sàigòn, vừa tu học vừa phụng dưỡng mẹ già. Năm 1962, thân mẫu mãn phần, Ni sư đến Vạn Đức ở Thủ Đức, nhập chúng của Hòa Thượng Trí Tịnh tu pháp môn Tịnh Độ. Năm 1968, lên Đại Ninh tỉnh Lâm Đồng mở đạo tràng Tịnh Độ lập tịnh thất Linh Quang, suốt 7 năm tinh chuyên nhập thất, danh đức của Ni sư lan tỏa, đồ chúng nương về tu học, Ni sư phải mở thêm các cơ sở tự viện để đáp ứng nhu cầu tu học của chúng Ni, từ Linh Quang, Liên Hoa, Viên Thông, Hương Sen đến Dược Sư, Lăng Nghiêm rồi Bát Nhã. Ni trưởng Hải Triều Âm đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 11 giờ 45 phút ngày 24 tháng 06 năm Qúy Tỵ, nhằm ngày 31 tháng 07 năm 2013, thượng thọ 94 tuế thế, 60 hạ lạp.


Sai lầm thứ ba: Anh Nguyễn Hữu Huỳnh cũng như anh Nguyễn Văn Thục đều không có tham dự Đại Hội kỳ I nầy. Riêng anh Huỳnh sau đó có ra Huế dự Đại Hội thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam trong các ngày 6, 7, 8, 9 tháng 5 năm 1951, đồng thời tham dự Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Kim Cang.
Danh sách Trại Kim Cang:
Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng GĐPTVN đầu tiên
Năm 1951 tại Huế
Trại Kim Cang
*&*
Ban Trại Trưởng
Thầy Minh Châu ( Cố Vấn )
Anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường ( Trại Trưởng )
Chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc
Anh Hồng Liên Phan Cảnh Tuân ( Trại Phó )
Anh Nguyên Phương Hoàng Trọng Cang
Anh Tâm Đại Lê Văn Dũng
Anh Lê Cao Phan
Anh Nguyên Y Lương Hoàng Chuẩn
Anh Nguyễn Hữu Ba
Anh Tâm Thiệt Nguyễn Xuân Quyền
Danh Sách Trại Viên
A.- Miền Trung:
1. Anh Lữ Hồ Nguyễn Minh Hiền
2. Anh Phạm Mạnh Cương
3. Anh Tâm Chánh Trần Kim Đạt
4. Anh Đỗ Kim Bảng
5.Anh Tôn Thất Đường
6.Anh Mai Quang Tích
7. Anh Mai Khắc Thuận
8. Anh Hoàng Anh Cung
9. Anh Tâm Huệ Cao Chánh Hựu
10. Anh Tâm Vinh Đoàn Văn Lộc
11. Anh Nguyễn Văn Bông
12. Anh Tôn Thất Ái Huyên
13. Anh Lê Bá Ngữ
14. Anh Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều
15. Anh Dương Xuân Dưỡng
16. Anh Thiện Hiền Dương Xuân Nhơn
17. Anh Nguyễn Thế Phong
18. Chị Hoàng Thị Quý
19. Chị Hoàng Thị Khương
20. Chị Hoàng Thị Ninh
21. Chị Bành Thị Diêu
22. Chị Hoàng Tuy An
23. Chị Nguyễn Thị Cúc
24. Chị Ngô Thị Bụt
25. Chị Tôn Nữ Huệ
26. Chị Nguyễn Thị Đoàn
27. Chị Lê Thị Diệm Thuần
28. Chị Nguyễn Thị Tranh
29. Chị Cao Thị Xuân Yến
B.- Miền Bắc:
30. Anh Tâm Thiết Trần Thái Hồ tự Lê Vinh
31. Anh Thông Phương Đặng Văn Khuê
32. Anh Chân Quang Trần Thanh Hiệp
C.- Miền Nam:
33. Anh Nhật Minh Nguyễn Hữu Huỳnh

Danh sách này do Trưởng Hoàng Trọng Cang ghi

Cho nên tôi mới thấm thía với câu ca dao:
Bí lên ba lá
Trách ba với má
Không ngắt ngọn làm giàn
Để bí mọc tràn lan
8664191019







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét