Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

Chuyện xưa về GĐPT

Thoạt tiên tôi lên mạng tìm đọc các trang mạng GĐPT, thấy bài Tiến trình hình thành và phát triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam, là luận văn tốt nghiệp của Thầy Quảng Trí đăng trên Trang nhà GĐPT Kiên Giang (https://gdptkiengiang.vn), tôi thấy có những chi tiết tôi không được biết, mặc dù tôi có góp mặt trong đó hoặc là người trong cuộc có viết thư trả lời cho tôi về sự hình thành GĐPT Nam Việt. Ba người đó là anh Tống Hồ Cầm, anh Nguyễn Hữu Huỳnh và anh Nguyễn Văn Thục. 

Tôi biết anh Cầm từ trước, nhưng năm 1960 hay 1961, tôi thành lập GĐPT Chánh Hạnh tại chùa Viên Quang thuộc Tỉnh Hội Phật Học Châu Đốc, tôi đưa anh Liên Đoàn Trưởng GĐPT Chánh Hạnh ở Châu Đốc, tới nhà anh Tống Hồ Cầm ở khu Vườn Lài, để giới thiệu cho 2 bên liên lạc trực tiếp với nhau.

GĐPT Chánh Hạnh sinh hoạt tại chùa Viên Quang, Thị xã Châu Đốc

Về anh Nguyễn Hữu Huỳnh, tôi biết anh khi tôi sinh hoạt tại GĐPT Minh Tâm năm 1960, tôi giữ chức Liên Đoàn Phó, Xử Lý Thường Vụ Liên Đoàn Trưởng, nên các Huynh Trưởng GĐPT nầy cũng như các GĐPT Chánh Đạo, Chánh Minh, Chánh Thọ, Chánh Đạt cùng sinh hoạt trong Đoàn Huynh Trưởng Thủ Đô Sàigòn, có tên là Đoàn A Dục, do anh Hồng Liên Phan Cảnh Tuân làm Đoàn Trưởng, anh Nhật Minh Nguyễn Hữu Huỳnh làm Đoàn Phó, anh Tuệ Linh làm Thư ký, thầy Thiện Châu làm Cố Vấn Giáo lý. Sinh hoạt vào mỗi chiều Chủ nhật tại chùa Xá Lợi, sau khi các Gia Đình đã cho các Đoàn sinh ra về. Chủ yếu là học Phật Pháp với thầy Thiện Châu, chuyên môn có học Cứu hỏa do Sở Cứu hỏa Đô Thành Sàigòn dạy tại sở của họ nơi đường Trần Hưng Đạo. Các Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam không có ai tham gia Đoàn nầy.


ĐĐ. Thích Thiện Châu ảnh chụp tại chùa Linh Sơn ĐàLạt, nhân chuyến đi của Đoàn A Dục năm 1960

Về anh Nguyễn Văn Thục, khi tôi tham gia sinh hoạt GĐPT năm 1957, do anh Nguyễn Quang Vui đưa tôi đến sinh hoạt với GĐPT Giác Minh, tại chùa Kim Cương, đường Trương Tấn Bửu, Quận 3, Sàigòn. Lúc đó anh Nguyền Văn Thục làm Liên Đoàn Trưởng, anh Nguyễn Tín làm Liên Đoàn Phó, anh Nguyễn Thiện Minh làm Đoàn Trưởng Đoàn Thiếu Niên, tôi vào Đoàn Thiếu Niên một thời gian ngắn, GĐPT Giác Minh thành lập Đoàn Nam Phật Tử La Hầu La, tôi được đưa vào sinh hoạt với Đoàn nầy do anh Phan Huy Thanh làm Đoàn Trưởng. Gia Đình Giác Minh lúc đó có chị Đào Thị Thành là Đoàn Trưởng Đoàn Thiếu Nữ, chị Nguyễn Thị Tố Đoàn Trưởng Đoàn Nữ Oanh Vũ, anh Nguyễn Xuân Dũng Đoàn Trưởng Nam Oanh Vũ. Một thời gian sau anh Nguyễn Quang Vui thay thế anh Phan Huy Thanh làm Đoàn Trưởng La Hầu La. Chị Tố bị đi tù vì tham gia kháng chiến. Rồi năm 1958 Gia Đình Phật Tử Giác Minh đời về sinh hoạt tại chùa Giác Minh, đường Phan Thanh Giản, Quận 3, Sàigòn. Anh Thục nghỉ sinh hoạt ở GĐPT Giác Minh vào năm 1959.

Trong các tài liệu cho biết anh Tống Hồ Cầm từ Đà Lạt vào Sàigòn đầu năm 1953, trước đó ai cũng biết anh ở Huế. Khi anh Cầm định cư ở Sàigòn, anh được nhờ làm trung gian kết nối GĐPT Chánh Tín thuộc Hội Phật Học Nam Việt do anh Đặng Sỹ Hỷ làm Liên Đoàn Trưởng, sinh hoạt tại Chùa Phước Hòa và GĐPT Chánh Giác do anh Nguyễn Văn Thục làm Liên Đoàn Trưởng, sinh hoạt tại chùa Phật Quang của thầy Huyền Dung thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, hai đơn vị nầy thống nhất thành một Gia Đình Phật Tử cải danh là GĐPT Chánh Đạo, do anh Nguyễn Văn Thục làm Liên Đoàn Trưởng, Bác Võ Đình Dần làm Gia Trưởng, thuộc Hội Phật Học Nam Việt, sinh hoạt tại chùa Phước Hòa từ năm 1953.

Cũng cần nói thêm Gia Đình Phật Tử Chánh Tín, do anh Nguyễn Hữu Huỳnh thành lập sau khi anh dự hội nghị thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam năm 1951, ngay trong thời gian đó được các anh Huynh Trưởng ở Huế tổ chức Trại Kim Cang, đã yêu cầu anh Huỳnh dự Trại để về Nam thành lập Gia Đình Phật Tử. Sau khi về Nam, anh Huỳnh vận động với Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, pháp danh Chánh Tâm, Phó Hội Trưởng Hội Phật Học Nam Việt, thành lập đơn vị Gia Đình Phật Tử Chánh Tâm tại công xá số 31 đường Nguyễn Thông, Tòa Đô Chánh Sàigòn cấp công xá nầy cho Bác sĩ Thọ là Trưởng Ty Vệ sinh Đô Thành Sàigòn ở, trong nhà sẵn có con, cháu từ Tây Ninh xuống học, nên thuận lợi lập Gia Đình Phật Tử tại đây và lấy Pháp danh của Bác sĩ Thọ đặt tên luôn cho đơn vị là Gia Đình Phật Tử Chánh Tâm.

Sau đó, Hội Phật Học Nam Việt dời trụ sở từ chùa Khánh Hưng ở Hòa Hưng về chùa Phước Hòa, Gia Đình Phật Tử Chánh Tâm dời về đây sinh họat, Bác Mai Thọ Truyền làm gia Trưởng, đúng ra đặt tên là Gia Đình Phật Tử Chánh Trí, nhưng Bác tránh, nên đặt tên là Gia Đình Phật Tử Chánh Tín.

Anh Thục có nói cho tôi biết hoặc anh viết thư trả lời cho tôi về câu hỏi tôi thắc mắc Gia Đình Phật Tử Nam Việt được hình thành như thế nào, tiếc rằng tôi không còn lá thư đó. Đại khái anh cho biết anh có sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Chơn Tri ở Huế. Khoảng năm 1949, vì thời cuộc anh vào Sàigòn sinh sống, trước tiên làm gia sư cho gia đình của chủ nhân hãng đĩa Asia thời đó, sau khi có tiền anh mới mở trường dạy tư lấy tên là Trường Bổ túc Chơn Tri ở khu Bàn Cờ. Sau đó anh cổ động thầy giáo làm Huynh Trưởng và học sinh làm Đoàn sinh anh lập Gia Đình Phật Tử Chơn Tri Sàigòn, sinh hoạt tại chùa Sùng Đức, Chợ Lớn.

Đoàn sinh của Gia Đình nầy đa số ở Bàn Cờ muốn vào Chợ Lớn phải đi xe thổ mộ, anh mới nhờ nhà của anh Nguyễn Hữu Huỳnh ở đường Lê Lai làm điểm tập trung cho các em đón xe đi, vì chỗ nhà anh Huỳnh có đường xe thổ mộ tiện đi vào chùa Sùng Đức, anh Thục còn cho biết thêm lúc đó anh Huỳnh chưa biết chi về Gia Đình Phật Tử. Còn anh Thục và anh Huỳnh quen biết nhau do anh Thục là đại lý bán vé máy bay của hãng COSORA, anh Huỳnh là khách hàng gửi, nhận hàng hóa mua bán cá hàng ngày, nên họ quen biết nhau.

Ngược lại trong thư anh Huỳnh gửi cho tôi, cho biết sau khi anh Huỳnh thành lập GĐPT Chánh Tâm, anh Thục có đến nói với anh Huỳnh là anh Thục có sinh hoạt với GĐPT Chơn Tri ở Huế, anh Huỳnh nhờ anh Thục vào Ấn Quang để sinh hoạt với một GĐPT trong đó, do một chú điệu của chùa Ấn Quang đang sinh hoạt,  nhưng anh Thục không thành công trong việc nầy. Năm 1953, anh Cầm vào Sàigòn, anh Huỳnh cũng nhờ vào Ấn Quang giúp cho GĐPT đang sinh hoạt tại đây, nhưng anh Cầm cũng không thành công.

Tóm lại, anh Thục hay anh Huỳnh đều cho rằng mình là người lập Gia Đình Phật Tử đầu tiên ở trong Nam. Theo tôi nhận biết anh Nguyễn Văn Thục là người thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri từ năm 1950, sinh hoạt tại chùa Sùng Đức ở Chợ Lớn, sau dời về chùa Phật Quang cải danh là Gia Đình Phật Tử Chánh Giác. Còn anh Nguyễn Hữu Huỳnh trước tiên lập Gia Đình Phật Tử Chánh Tâm, sinh hoạt tại công xá 31 Nguyễn Thông, sau dời về chùa Phước Hòa, cải danh là Chánh Tín do anh Đặng Sỹ Hỷ làm Liên Đoàn Trưởng.

Năm 1953, anh Tống Hồ Cầm vào Sàigòn sinh sống, anh làm gạch nối giữa Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt, để thống nhất Chánh Giác và Chánh Tín thành Gia Đình Phật Tử Chánh Đạo, do anh Nguyễn Văn Thục làm Liên Đoàn Trưởng, sinh hoạt tại chùa Phước Hòa. Sau đó, Hội Phật Học Nam Việt thành lập Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Nam Việt, chỉ định chỉ duy có 2 anh trong Ban Hướng Dẫn là anh Tống Hồ Cầm Trưởng Ban và anh Nguyễn Văn Thục Phó Trưởng Ban về sau có tăng cường thêm anh Nguyễn Hữu Huỳnh là Ủy viên Thanh Niên và Xã Hội.

Cũng cần xác định rõ là trong Đại Hội Gia Đình Phật Hóa Phổ năm 1951 tại chùa Từ Đàm Huế, cả anh Nguyễn Hữu Huỳnh và anh Nguyễn Văn Thục đều không có tham dự. Trong lần Đại Hội Gia Đình Phật Hóa Phổ nầy, trong các ngày 24,25,26 tháng 4 năm 1951, chỉ có đại biểu các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ của 9 tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận, Di Linh, Lâm Viên, Đồng Nai Thượng và phái đoàn Miền Bắc tham dự với tánh cách dự thính, gồm có: anh Tâm Thiết Trần Thái Hồ tự Lê Vinh, anh Thông Phương Đặng Văn Khuê và anh Chân Quang Trần Thanh Hiệp.



Miền Nam không có Huynh Trưởng nào dự thính cả, vì anh Nguyễn Hữu Huỳnh chưa biết chi về Gia Đình Phật Hóa Phổ, và cũng không có mặt tại Huế trong thời gian nầy. Còn anh Nguyễn Văn Thục trong tài liệu Lược sử GĐPT Nam Việt anh đã viết:

Một điểm cần được xác định lại cho rõ :

(Trong một chuyến đi Huế của Cố Đạo Hữu Mai Thọ Truyền (để tìm hiểu thêm về hệ thống tổ chức của Hội Phật Học Trung Việt và Cổ Sơn Môn Tăng Già Trung Việt – tháng 3 năm 1951) Anh Nguyễn Hữu Huỳnh được theo tháp tùng.

Thời gian nầy lại trùng hợp với Khóa Huấn Luyện - Trại “Kim Cang” do BHD/Gia Đình Phật Hóa Phổ Trung Việt tổ chức tại Hội Quán của Tổng Trị Sự. Gặp dịp nầy, cá nhân Anh Nguyễn Hữu Huỳnh xin đến dự để tìm hiểu tổ chức của Gia Đình, (Lúc bấy giờ Anh Huỳnh chưa biết gì về GĐPHP và không thể đại diện cho GĐPHP Nam Phần. Còn Anh Thục (Liên Đoàn Trưởng của một Gia Đình duy nhất tại Nam Việt) chỉ vì thiếu phương tiện, nên không về tham dự được. Sau đó khi đi dự trại về Anh Nguyễn Hữu Huỳnh có vận động với Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ để thành lập một Gia Đình (GĐPHP Chánh Tâm) nhưng việc ấy không thành.)


Sau đó, Đại hội thành lập Tổng hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức vào các ngày 6, 7, 8, 9 tháng 5 năm 1951 cũng tại chùa Từ Đàm có các Tập đoàn:
- Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt.
- Hội Việt Nam Phật Giáo.
- Sơn môn Tăng Già Trung Việt.
- Hội An Nam Phật Học.
- Hội Phật Học Nam Việt.

Đại hội thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam 6-9 tháng 5 năm 1951 tại chùa Từ Đàm, Huế

Giáo Hội Tăng Già Nam Việt đến ngày 5-6-1951 mới mở đại hội tại chùa Hưng Long, ngã sáu Chợ Lớn, thành lập Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, suy tôn Hòa Thượng Đạt Thanh trụ trì chùa Giác Ngộ, Chợ Lớn lên ngôi vị Pháp Chủ, Thượng Tọa Đạt Từ làm Trị Sự Trưởng.

Thành phần Hội Phật Học Nam Việt tham dự Đại hội Phật Giáo năm 1951 có:

- Đại Đức Thích Quảng Minh. Hội Trưởng. Trưởng Đoàn
- Đh Mai Thọ Truyền. Tổng Thư Ký
- Đh Phạm Văn Vi.
- Đh Trầm Khoan Hậu. (không phải họ Trần).
- Đh Nguyễn Hữu Huỳnh.

Cũng song song với Đại hội Phật Giáo, thành lập Tổng hội Phật Giáo Việt Nam, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung phần có mở Trại huấn luyện Kim Cang, Nguyễn Hữu Huỳnh bị hay được mời tham gia trại nầy, nhằm mục đích khi trở về Nam thành lập GĐPT, vì chưa hề đi sinh hoạt nên anh Phan Cảnh Tuân phải tìm cho anh Huỳnh một bộ đồng phục dự trại và là hành trang về Nam thành lập GĐPT. Ngày Bế mạc Đại hội Phật giáo cũng là ngày Bế mạc Trại Kim Cang.

Trong thư anh Nguyễn Văn Thục gửi cho tôi, anh cho biết anh là Liên Đoàn Trưởng đầu tiên của Gia Đình Phật Tử Giác Minh và trong tiểu sử của anh Nguyễn Văn Thục, có người viết:

Thầy Thích Chánh Tiến (Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt) sau khi quy tụ được một số thanh, thiếu niên tại chùa Kim Cương, đường Trần Quang Diệu – Sàigòn, muốn gây dựng lại một đơn vị GĐPT (Bắc Việt) đầu tiên tại Miền Nam. Thầy đã nhờ Huynh Trưởng Tâm Lạc hướng dẫn thành lập và giữ chức vụ Liên Đoàn Trưởng. Đơn vị Gia Đình được thành lập và đưa về chùa Giác Minh, đường Phan Thanh Giản – Sàigòn, lấy tên là Gia Đình Phật Tử Giác Minh.
Xin đính chánh. Gia Đình Phật Tử Giác Minh được Đại Đức Thích Thanh Cát thành lập tại chùa Giác Minh vào ngày 10 tháng 7 năm 1955, Đại Đức Thanh Cát là Gia trưởng đầu tiên, chị Trần Thị Tuyết Trinh là Liên Đoàn Trưởng đầu tiên, sau đó Thầy Đức Nhuận làm Gia Trưởng, rồi Thầy Thanh Cát làm Gia Trưởng, sau đó Thầy Chính Tiến là Tổng Thư Ký Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam làm Gia Trưởng, Thầy Chính Tiến trụ trì chùa Kim Cương ở đường Trương Tấn Bửu Phú Nhuận, nên dời Gia Đình Giác Minh về sinh hoạt tại chùa Kim Cương.


Ảnh chụp GĐPT Giác Minh 1955, trong ảnh có HT Thanh Cát, Trưởng Tuyết Trinh đứng bên tay phải HT. Thanh Cát cách 1 em đoàn sinh, Trưởng Tuệ Tâm, Trưởng Tuệ Linh, Trưởng Thanh Minh, Nguyễn Tư Cự.
Sau đó, khoảng năm 1958, Thầy Chính Tiến về trú ngụ tại chùa Giác Minh, nên Gia Đình Giác Minh dời về đây sinh hoạt, một thời gian chừng 1 năm anh Nguyễn Văn Thục ngưng sinh hoạt từ năm 1959 cho đến năm 1964, anh mới sinh hoạt lại từ Đại Hội GĐPT kỳ V tại Trường Gia Long, được bầu làm Ủy viên Nội Vụ từ đó.
Trần Thị Tuyết Trinh, nguyên Liên Đoàn Trưởng đầu tiên GĐPT Giác Minh
Trong kỳ Đại hội IV năm 1961 tại chùa Xá Lợi, anh Võ Đình Cường, anh Nguyễn Hữu Huỳnh, anh Nguyễn Văn Thục được mời tới với tư cách là Cựu Huynh Trưởng, nên các anh không có bất cứ chức vụ chi trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam do Thầy Thiện Hoa làm Trưởng Ban từ năm 1961 cho đến 1964. Ngoại trừ anh Nguyễn Hữu Huỳnh có làm Đoàn Phó Đoàn Huynh Trưởng A Dục, Đoàn nầy thuộc Hội Phật Học Nam Việt và anh Huỳnh có làm Trưởng Ban Ban Chỉ Đạo GĐPT trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo trong Pháp nạn 1963. Sau Cách Mạng 63 thành công, anh Nguyễn Hữu Huỳnh được Huynh Trưởng các GĐPT tại Thủ Đô bầu làm Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Thủ Đô Sàigòn.
Từ trái sang phải: Trần Hữu Định, Đỗ Thu, chị Trần Hồng Loan, Lê Chiêu Thùy, Phúc Trung dự Đại hội Huynh Trưởng Toàn Quốc kỳ IV, tại chùa Xá Lợi, Sàigòn, năm 1961
Và sau khi anh Thục nghỉ sinh hoạt một thời gian ngắn Thầy Chính Tiến mời được Bác Nguyễn Đức Lợi làm Gia Trưởng Gia Đình Phật Tử Giác Minh, anh Nguyễn Quang Vui làm Liên Đoàn Trưởng thay anh Nguyễn Văn Thục.
Nhân đây, tôi muốn nói thêm khi anh Nguyễn Văn Thục sang Úc định cư, những ngày đầu anh và tôi liên lạc với nhau, anh đã gửi nhiều thư từ nhờ tôi trao cho anh  Cao Chánh Hựu, chị Hoài Chân, chị Thu Nhi … trong một thư anh gõ vi tính cho tôi 10 trang khổ 21 X 33 cm chữ nhỏ li ti, trang 10, có đoạn như sau:
**** Anh Huỳnh chỉ hoạt động GĐPT từng giai đoạn ngắn mà thôi, trong thư của Ái Tông có viết một câu, mà anh nghĩ lại cũng cần phải nói rõ, nếu không sẽ nhầm lẫn lớn và gián tiếp làm mất uy tín của bao nhiêu HT khác trong thời kỳ 1963 …. “Năm 1963 chỉ có một mình Nguyễn Hữu Huỳnh dám mặc đồng phục, điều động các GĐPT Sàigòn, Gia Định hoạt động tại Xá Lợi dưới sự chỉ đạo của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Sau 20-8-1963 anh Huỳnh vào tù vài ba lần, anh có cấp gì đâu nào !....” Ái Tông đã nghe ai nói vậy ? Thật là một sự sai lầm lớn, nếu Ái Tông nghe và tin, cho đó là đúng sự thật. Và nếu Ái Tông nói lại cho các anh chị em khác, nhiều người rất buồn, nhưng không cải chính làm gì, và … chỉ tội nghiệp cho Ái Tông, - đã lầm tưởng hay ngộ nhận, đó là những chuyện thật.

Tôi chắc rằng sau khi nhận được thư nầy, tôi đã viết trả lời cho anh Thục, nay tôi không còn giữ được thư ấy, cũng như không còn nhớ tôi đã trả lời cho anh ra sao, nhưng mà sự việc năm 1963, lúc tranh đấu Phật giáo, tôi còn nhớ vài chi tiết vì chính tôi tham gia trong đó.
Tưởng cũng cần nhắc lại, khoảng năm 1960, anh Phan Cảnh Tuân sinh sống tại Sàigòn, nên anh Phan Cảnh Tuân với anh Nguyễn Hữu Huỳnh mới lập Đoàn Huynh Trưởng A Dục, gồm các Huynh Trưởng thuộc Hội Phật Học Nam Việt và Hội Việt Nam Phật Giáo, trong đó có Huynh Trưởng các GĐPT Chánh Đạo, Chánh Minh, Chánh Thọ, Chánh Đạt, Minh Tâm, anh Phan Cảnh Tuân là Đoàn Trưởng, anh Nguyễn Hữu Huỳnh là Đoàn Phó, anh Tuệ Linh là Thư ký, anh Hổ Huynh Trưởng GĐPT Chánh Đạo được bầu làm Đội Trưởng Đội Kiên Thệ, tôi Đội Trưởng Đội Kiền Trắc, bên Nữ có chị Cung Thị Lan Phương và Trần Thị Thanh Minh là Chúng Trưởng Ni Liên và A Nô Ma. Sinh hoạt nơi Đoàn quán GĐPT Chánh Đạo tại chùa Xá Lợi.
Đoàn A Dục: Đoàn Phó Nguyễn Hữu Huỳnh – Đoàn Trưởng Phan Cảnh Tuân năm 1960
Vào Giáng Sinh năm 1960, Đoàn tổ chức đi tham quan Đà Lạt, nhằm mục đích tạo điều kiện cho Thượng Tọa Thiện Minh, Ủy viên Thanh Niên của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức Đại hội Thống nhất Gia Đình Phật Tử vào các ngày 26, 27, 28-12-1961 tại chùa Xá Lợi, Sàigòn.
Đoàn A DỤC tham quan Suối Vàng Đà Lạt dịp Giáng Sinh năm 1960
Có Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thiện Hoa, ĐĐ. Thiện Châu và Quảng Long
Một số Huynh Trưởng của các Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam có đi theo Đại Đức Thích Quảng Long, nhưng không đi chung hoặc họp chung với Đoàn A DỤC. Đó là các Trưởng Nguyễn Quang Vui, Nguyễn Huy Nghiễn, Hồ Đắc Tín bên nữ có chị Nguyễn Thị Ngân, chị Mạnh.
Từ trái sang phải: Htr. Hồ Đắc Tín, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Quang Vui, chị Mạnh, Nguyễn Huy Nghiễn
Năm 1961 Đại Đức Thiện Châu xuất dương du học ở Ấn Độ, rồi Đoàn Trưởng Phan Cảnh Tuân bị thuyên chuyển phục vụ trong Sư Đoàn 7 Bộ Binh đóng tại Mỹ Tho, nên Đoàn A Dục ngưng sinh hoạt.
Huy hiệu Đoàn Huynh Trưởng Thủ đô Sàigòn A DỤC
Đến Pháp nạn năm 1963, Nguyễn Hữu Huỳnh đãm trách chức vụ Trưởng Ban Chỉ Đạo Gia Đình Phật Tử trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Trưởng Huỳnh đã điều động các Huynh Trưởng tham gia vào các hoạt động của UBLPBVPG, đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của Đại Đức Thích Giác Đức. Nhờ anh Nguyễn Hữu Huỳnh trước đó là Đoàn Phó Đoàn Huynh Trưởng A DỤC, nên khi anh Nguyễn Hữu Huỳnh đứng ra điều khiển các Huynh Trưởng đều tuân theo mệnh lệnh của anh Nguyễn Hữu Huỳnh. Thời gian nầy có sự kiện Tuyệt thực tại chùa Xá Lợi với sự tham dự của 30 đến 40 ngàn Phật Tử.
Tối đêm trước ngày Tuyệt thực, trưởng Huỳnh đã giao cho tôi trách nhiệm điều khiển khoảng 20 Huynh Trưởng các Gia Đình, từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, để các Huynh Trưởng kẻ biểu ngữ, phân công giữ gìn trật tự. Cuộc Tuyệt thực tổ chức một cách bất ngờ, để chánh quyền không thể cản trở, khi thiện Nam tín Nữ đến đông đảo để nghe thuyết pháp và tin tức thì phát động tự nguyện tham gia tuyệt thực 12 giờ đồng hồ, vì vậy phải có chuẩn bị mật.
Ngày hôm đó, anh Nguyễn Hữu Huỳnh có giới thiệu một em đoàn sinh 5 tuổi thuộc Gia Đình Phật Tử Giác Hoa cũng tham gia tuyệt thực, Phật tử hiện diện vỗ tay vang dậy. Cuộc Tuyệt thực đó rất thành công, đánh động lương tâm của nhiều Phật tử và dân chúng.
Tuyệt thực tại chùa Xá Lợi, Sàigòn trong Pháp nạn 1963
Sau khi Pháp nạn đã qua, Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên đã mời Huynh Trưởng Thủ Đô Sàigòn ra tham quan Huế nhân có Đại Hội Huynh Trưởng Trung Phần họp Đại Hội tại chùa Từ Đàm. Một phái đoàn Huynh Trưởng Thủ Đô do Bác Đỗ Văn Giu làm Trưởng Đoàn, tôi Phó Đoàn kiêm Huynh Trưởng Trực, anh Tuệ Linh Thư Ký đã viếng thăm danh lam thắng cảnh Huế, Quảng Trị, dự Đại Hội GĐPT Trung Phần vào tháng Giêng năm 1964. Đáng lẽ anh Nguyễn Hữu Huỳnh làm Trưởng Đoàn, nhưng anh bận việc riêng không thể tham dự, anh chỉ đưa tiển tại chùa Xá Lợi mà thôi.
Phái Đoàn Htr. Thủ Đô vào Hội Trường Đại Hội Htr. Trung Phần tháng Giêng năm 1964
Những sự kiện đó tôi có tham dự, có biết, không nghe ai hết, nói như anh Thục cũng đúng là không biết thì đừng nói, nhưng mà mình biết rõ thì cũng nên đính chánh những sai lầm.
Anh Nguyễn Hữu Huỳnh ở tù trong thời gian Pháp nạn, có ngày anh Tuệ Linh hoặc tôi đi đến nhà thăm anh Huỳnh, chị Huỳnh ngồi trước cửa ra dấu cho anh Tuệ Linh hoặc tôi đừng ghé nhà, vì có công an chìm theo dõi. Tôi tin rằng anh Tuệ Linh còn nhớ chi tiết nầy, vì nó là sự nguy hiểm cho mỗi cá nhân trong thời kỳ ấy.
Là một thành viên Gia Đình Phật Tử, tôi luôn nhớ 5 điều Luật, trong đó có: Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.
8994061019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét