Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Về anh Ngô Mạnh Thu


Phúc Trung Huỳnh Ái Tông

Tôi được Trần Minh Triết viết gửi qua Messenger: “Kính anh, em chuẩn bị làm cuốn tưởng niệm anh Thu, anh có thể viết cho em xin một bài không? Tháng 8 phát hành”.


Về anh Ngô Mạnh Thu, từ khi anh nằm xuống, tôi đã viết đến 3, 4 bài, lục tìm gửi cho Triết, xem Triết có chọn được bài nào không, vì tôi đang còn mệt sau khi đi chiêm bái Phật tích ở Ấn Độ về, rồi lại đi Huế viếng thăm thiền sư Nhất Hạnh và Hòa Thượng Thích Trí Quang. Ấn Độ khí hậu ngày nóng, đêm lạnh, Huế bị ngọn gió Lào, Sàigòn nóng có hôm trên 40 độ, gây cho tôi bị cảm nắng nhiều ngày, lại chuẩn bị sang Cali, nên đầu óc không được thanh thản để viết.
Thôi thì nhân dịp nầy viết để tưởng nhớ đến anh Ngô Mạnh Thu. Tôi không nhớ lần đầu tiên tôi đã gặp anh Thu vào dịp nào, nhưng biết chắc tại chùa Giác Minh vào khoảng năm 1959. Thời gian đó, anh Nguyễn Quang Vui làm Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Giác Minh, anh Nguyễn Đình Thống làm Liên Đoàn Phó, tôi Đoàn Trưởng Đoàn Thiếu Niên, anh Ngô Mạnh Thu được mời làm Ủy viên Văn nghệ của Gia Đình.
Năm 1960, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt Tại Miền Nam được thành lập, anh Thu được bầu làm Ủy viên Văn nghệ, anh Nguyễn Đình Thống Ủy viên phụ trách Ngành Nam, anh Nguyễn Quang Vui Ủy viên Nghiên Huấn, tôi Phó Tổng Thư Ký.
Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu (1938-2004)
Năm sau, Ban Hướng Dẫn bầu lại, Bác Nguyễn Đức Lợi làm Trưởng Ban, anh Nguyễn Quang Vui làm Phó Trưởng Ban, anh Nguyễn Đình Thống Ủy viên Tổ chức và Kiểm soát, anh Ngô Mạnh Thu Ủy viên Văn nghệ, tôi Tổng Thư Ký, từ đó bốn chúng tôi sát cánh làm việc với nhau, làm cho các Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam sinh hoạt rất năng động và phát triển nhanh chóng về chất lượng cũng như số lượng, cho nên các Huynh Trưởng thời đó gọi chúng tôi là Tứ Tướng: Vui, Thu, Thống, Tông.
Ban Hướng Dẫn GĐPT/GHTGBV Tại MN ảnh chụp năm 1961 tại TH Vạn Hạnh
Chúng tôi mỗi người có sở trường sở đoản cá biệt, anh Vui có khả năng về các sáng kiến độc đáo như thành lập Ban Hướng Dẫn thuộc Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam, thành lập Huynh Trưởng Đoàn. Mở khóa huấn luyện Huynh Trưởng Tuệ Tạng năm 1960. Thành lập Trường Đào Tạo Huynh Trưởng năm 1962, nhưng anh thường bỏ việc dở dang. Anh Ngô Mạnh Thu có những nhận xét chính xác, phát biểu ngắn gọn đầy đủ và tập trung, giao cho ai việc chi anh không cần theo dõi, kiểm soát. Anh Nguyễn Đình Thống luôn quan tâm theo dõi các hoạt động, anh ít gắn bó với sinh hoạt. Còn tôi thi hành tới cùng và làm đúng những chi anh em đã quyết định.
Đại Hội Gia Đình Phật Tử Toàn Quốc, vào dịp Giáng Sinh năm 1961 tại chùa Xá Lợi, phái đoàn các GĐPT miền Bắc của 2 Tập Đoàn thuộc 6 Tập Đoàn của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam hợp nhất thành một phái đoàn với 10 Đại biểu, trong đó anh Ngô Mạnh Thu là một.
Từ trái: Ri, Hòa, Đắc, Thạnh, Thu, Tông
Trường Đào Tạo Huynh Trưởng anh Vui thành lập và đảm nhận chức vụ Đoàn Trưởng đầu tiên, anh theo được 5, 7 tháng anh bỏ, Anh Trúc Hải lên thay, tổ chức thi ra trường năm 1963, sau đó anh Hải đi Nha Trang làm việc, tôi lên thay mời được anh Ngô Mạnh Thu làm Đoàn Phó. Từ đây anh hết sức gắn bó với Trường nói riêng và GĐPT nói chung.
Sau cuộc Cách Mạng 1-11-1963 thành công, Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên, mời Đoàn Huynh Trưởng Thủ Đô ra viếng thăm GĐPT Thừa Thiên- Huế, anh Ngô Mạnh Thu có tham gia Phái đoàn, có đi tham quan cầu Hiền Lương ở Bến Hải. Có thăm GĐPT tại vùng quê Mỹ Chánh, nơi ghi nhiều bi thương của Mùa Hè đỏ lửa sau này.
Tại Mỹ Chánh Quảng Trị: Ngô Mạnh Thu người thứ 3, sau là chị Hoài Chân

Chúng tôi tổ chức kỳ thi mãn khóa, khóa 2 trường Đào Tạo Huynh Trưởng A Dật Đa, rồi mở khóa cấp tốc vì nhu cầu Huynh Trưởng đó là khóa Đặc Biệt mở vào dịp lễ Lao Động 1-5-1964. Anh Ngô Mạnh Thu, chị Hồng Loan và tôi có kỷ niệm đẹp, vì rạng sáng ngày nầy, anh Nghiễn và chị Tâm cho Khóa sinh di chuyển vào lúc 4 giờ sáng từ Trại Chăn Nuôi Tân Sơn Nhất, đi xuyên qua vườn cao su Phú Thọ, tới chùa Giác Lâm. Ven hai bên đường là rừng cao su âm u, trên trời trong trăng sáng vằng vặc, ba chúng tôi mỗi người một chiếc xe, đạp từ từ trên con đường khúc tráng nhựa, khúc đất đỏ, không khí an lành. Nay nó là con đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, nhà phố san sát nhau, đâu còn nên thơ một thuở.

Đại Hội Gia Đình Phật Tử toàn quốc tổ chức tại Trường Gia Long vào dịp Hè năm 1964, anh Thu được Ban tổ chức giao trách nhiệm tổ chức đêm Văn nghệ Chào mừng Đại hội tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc, anh đã cho trình diễn kịch Suối Từ của anh Võ Đình Cường và Trường Ca Lửa của anh dưới sự trình diễn của Ca đoàn Trường Đào Tạo Huynh Trưởng A Dật Đa.
Vì sự phân hóa Giáo Hội thành Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang, GĐPT miền Vĩnh Nghiêm ngưng sinh hoạt một thời gian. Năm 1973, sinh hoạt lại anh Thu vẫn tham gia với chức vụ Ủy viên Văn Nghệ.
Sau năm 1975, GĐPT phải ngưng sinh hoạt, đến năm 1993, anh Ngô Mạnh Thu là nhân tố chính góp sức thúc đẩy tái hoạt động các GĐPT miền Vĩnh Nghiêm, anh giữ chức Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT miền Vĩnh Nghiêm, kiêm Đoàn Trưởng Đoàn Huynh Trưởng A Dật Đa, cho đến nay vẫn còn sinh hoạt tại Tổ Đình Vĩnh Nghiêm, Sàigòn.

Năm 1991, tôi sắp rời khỏi Việt Nam, các anh chị Thống, Thu, Vui đưa tôi đi ăn cơm chay Tín Nghĩa ở đường Trần Hưng Đạo, Sàigòn rồi đi uống cà-phê ở khu Nhà Trẻ Thành phố. Dịp nầy anh Thu nói với tôi: - Tông sang đó, nói với Đặng Đình Khiết yểm trợ tài chánh để Vui, Thống, Lanh và mình làm một Video tape, quay các cảnh chùa Việt Nam, lồng các bản nhạc Phật Giáo. Thành quả đó có tác phẩm “Dòng sông trăng”.
Năm 1994, anh Ngô Mạnh Thu rời Việt Nam định cư tại Nam California. Năm 1995, anh được bầu vào chức vụ Trưởng Ban, Ban Chấp Hành Ái Hữu GĐPT Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, anh giữ chức vụ nầy cho đến khi bị tai biến mạch máu não, rồi qua đời vào năm 2004.

Anh Ngô Mạnh Thu sinh năm 1938, tại Hà Đông từng là bạn thuở ấu thơ học chung trường với Phí Ích Nghiễm tức nhà văn Dương Nghiễm Mậu, vào Nam hai anh gặp lại cùng ở khu Chuồng Bò ở Tân Sơn Nhì hay Lò Heo ở khu cư xá Trương Minh Giảng gần nhà thờ Ba Chuông, Phú Nhuận.
Tuy mỗi người có ngành nghề khác nhau, nhưng từng có sinh hoạt GĐPT gắn bó với nhau, từng ăn chung một mâm, ngủ chung một giường, hợp gu uống cà-phê đen. Tôi có nhiều kỷ niệm với anh Ngô Mạnh Thu và Dương Nghiễm Mậu, nhưng cả 2 anh ngày nay đều đã gác kiếm, rửa tay.
Ngày anh Thu thành hôn với chị Xuân Mai, anh chọn Hoàng Văn Ân và tôi làm phù rể. Ân là người công giáo Hố Nai, lại Ngồi Thiền, anh bỏ xác thân trong Conex, anh Thu cho tôi biết; “Hắn bị tẩu hỏa nhập ma, sau gần 49 ngày nhịn ăn ngồi Thiền, để đi gặp Chúa theo lời hắn cho biết. “
Từ trái sang phải: Tông, Thu, Ân
Năm 1962, sau khi thi xong ra về, ra tới cổng Trường Tư Thục Đăng Khoa, của thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan, bỗng gặp anh Thu cùng dắt xe đạp ra cổng. Thế là hai anh em rủ nhau đạp xe ra Bến Bạch Đằng. Đến nơi dựng xe rồi cùng nằm xuống cỏ, nhìn trời thả hồn theo khói thuốc, yên trí rằng đã trả xong nợ sách đèn. Đậu rớt tính sau.
Tôi biết anh Thu không mê Cải Lương, nhưng có lần anh mua 3 cái vé, anh bảo tôi đi với bà cụ thân sinh và cô Quy em gái của anh, lần đó tôi được xem tuồng Áo cưới trước cổng chùa của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Sàigòn. Tôi còn nhớ đêm đó Bảo Quốc 12, 13 tuổi ra sân khấu không thuộc tuồng, Thanh Nga phải nhắc cho.
Trần Minh Triết yêu cầu, tôi viết do sự tin cậy của Triết, cũng để nhớ đến anh Thu, nhớ đến cà-phê và thuốc điếu. Cà-phê thì tôi vẫn còn uống hàng ngày hoặc khi họp mặt với bạn bè. Còn thuốc thì tôi đã bỏ từ lâu, nhớ lại lần đầu vào năm 1966, từ Thành phố Buồn Muôn Thuở về Sàigòn thăm anh, bên bàn cà-phê, anh mời tôi điếu thuốc, tôi cho anh biết tôi đã bỏ thuốc rồi. Anh cười nói với tôi: “Một ông Linh mục ở nhà thờ Cứu Thế nói với ta – Bỏ thuốc dễ, nhưng hút thuốc lại, lại càng dễ hơn”.
Một lần sang Cali, anh Thu chở tôi đi thăm Huynh Trưởng Bùi Thế San ở Los, khi ra khỏi nhà San, anh Thu không vội vào xe, nói với tôi: “Để ta hát một phút”. Tôi nghĩ, anh là nhạc sĩ mà nghe anh hát thì còn gì bằng. Nhưng không phải vậy “hát một phút” tức là “hút một phát”.
Năm nào đó anh Thu và tôi hẹn gặp nhau ở Washington DC, không ngờ lần đó, có Nguyễn Đức Quang, Bs Nhuận cùng sang, họ cùng trình diễn một đêm văn nghệ “Du Ca”, tôi có dịp gặp lại, nghe những ca khúc Du Ca một thời đã qua, thời kỳ tuổi trẻ.
Năm 2014, tôi dự Lễ Hiệp Kỵ ở chùa Vĩnh Nghiêm, sau đó được dự 10 năm tưởng nhớ Ngô Mạnh Thu, do GĐPT Vĩnh Nghiêm tổ chức.

Ngô Mạnh Thu đi xa, đã lâu rồi, anh em vẫn thương nhớ tới anh, hình ảnh anh và những ca khúc về Phật giáo về sinh hoạt vẫn còn tồn đọng trong lòng của nhiều người.
8664141019






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét